Đảo Cát Hải: Phòng chống bão số 1 với tinh thần cao nhất

Tuấn Nguyễn, Hoàng Thuỷ-Thứ ba, ngày 18/07/2023 11:47 GMT+7

Ảnh: Hoàng Thuỷ

VTV.vn - Trước đây, khi bão đổ bộ, nhiều địa bàn trên huyện đảo Cát Hải thường rất dễ bị cô lập với đất liền...

"Sống chung với bão", đó gần như là suy nghĩ của nhiều người dân huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Nhiều năm về trước, khi bão đổ bộ, nhiều địa bàn trên huyện đảo Cát Hải thường bị cô lập với đất liền... Gặp lúc thủy triều dâng, tứ bề chỉ mênh mông nước. Giao thông thủy bị chia cắt vì sóng to gió lớn. Người dân trên đảo chỉ biết đứng trông trời, mong cho bão sớm tan.

Từ khi thành phố xây xong cây cầu vượt biển bề thế, quy mô, đi từ đất liền ra đảo Cát và ngược lại, không còn cảnh phải lênh đênh 30-45 phút trên phà biển. Mỗi khi bão gió, việc di dân đi sơ tán, hoặc ứng cứu khẩn cấp đã thuận lợi hơn nhiều. Huyện đảo không còn quá xa cách đất liền. Tuy nhiên ở nơi đây, trong vô số hòn đảo lớn nhỏ, vẫn có những khu vực kết nối với nhau bằng phà biển hoặc phải chạy ca nô, đi tàu mới ra đến nơi... thì bão gió vẫn là mối lo của cả chính quyền và người dân. Nhất là khi những năm gần đây, các cơn bão thường có xu hướng mạnh hơn và diễn biến khó lường, không ai dám "nói mạnh".

Mỗi dịp hè, huyện đảo thường đón rất nhiều du khách đến tham quan. Được mệnh danh là đảo Ngọc, lại kết nối với di sản thiên nhiên thế giới - vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà trên huyện đảo Cát Hải là một trong những điểm đến hàng đầu ở phía Bắc. Tuy nhiên, mùa du lịch phát triển nhất cũng là mùa mưa bão. Công tác phòng chống bão, đối phó với thiên tai dường như lúc nào cũng được địa phương chủ động dự phòng, ngay cả những thời điểm trời yên biển lặng.

Năm nay, ngay từ khi có tin bão số 1, UBND huyện đã ban hành Công điện chỉ đạo công tác phòng chống bão số 1, ban hành các thông báo chỉ đạo tạm dừng các hoạt động thăm quan du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và tại các bãi tắm từ 12 giờ ngày 17/7; tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục về diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân nắm rõ, chủ động phòng tránh.

Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền và ngư dân đang còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn; tổ chức hướng dẫn neo đậu cho các tàu, thuyền trong các khu tránh trú; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu, thuyền và giữ thông tin thường xuyên với các chủ phương tiện để phối hợp xử lý các tình huống có thể xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão. Đảm bảo 100% phương tiện tàu thuyền được sắp xếp neo đậu tại các vị trí tránh trú an toàn.

Trên địa bàn hiện có 134 cơ sở nuôi trồng và dịch vụ thủy sản. Các lực lượng của thị trấn Cát Bà, Công an huyện, Đồn BP Cát Bà, Ban quản lý các Vịnh đã vận động người dân sinh sống trên các bè nuôi lên bờ tránh trú, chỉ để lại những người thật cần thiết, tổ chức đưa nhân dân sơ tán về nơi an toàn, bố trí sinh hoạt và hỗ trợ ăn nghỉ, trong đó ưu tiên người già, phụ nữ và trẻ em. Việc hỗ trợ sơ tán dân lên bờ hoàn thành trước 17h ngày 17/7.

Đảo Cát Hải: Phòng chống bão số 1 với tinh thần cao nhất - Ảnh 1.

Với đặc thù có nhiều lồng bè nuôi trồng hải sản trên biển, công tác phòng chống bão trên huyện đảo phức tạp hơn nhiều.

Đảo Cát Hải: Phòng chống bão số 1 với tinh thần cao nhất - Ảnh 2.

Một số vị trí giao thông có nguy cơ sạt lở, ngập lụt tại đảo Cát Hải được đặc biệt quan tâm công tác tiêu thoát nước khi có mưa lớn, kết hợp triều cường dâng cao để hạn chế tình trạng ngập lụt, sạt lở. Hiện nay, 100% cống khu vực đảo Cát Hải cơ bản vận hành tốt, đảm bảo phục vụ tiêu thoát nước khi bão đổ bộ vào địa bàn.

Triển khai phương án "4 tại chỗ", huyện huy động hơn 1.900 người, cùng nhiều vật tư, 70 xe ô tô, tàu xuồng máy, xe cẩu, ủi xúc, xe cứu thương sẵn sàng làm nhiệm vụ. Mỳ tôm, gạo, nước uống, các nhu yếu phẩm khác …. cũng đã được dự trữ.

Đảo Cát Hải: Phòng chống bão số 1 với tinh thần cao nhất - Ảnh 3.

Sơ tán du khách về đất liền tránh bão.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức thông tin cho các doanh nghiệp, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn và du khách lưu trú trên địa bàn về diễn biến của bão, khuyến cáo khách du lịch trở về đất liền trước 16h ngày 17/7 và đề nghị các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch hỗ trợ du khách 50% giá phòng trong trường hợp khách bị mắc kẹt, không kịp về đất liền do bão.

Một việc làm ý nghĩa nữa là cán bộ, chiến sĩ trên huyện đảo cũng trực tiếp đến các bè nuôi trồng thủy sản để tuyên truyền, nhắc nhở bà con theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động phòng chống bão và tặng hàng trăm áo phao để đảm bảo an toàn cho bà con khi bão đổ bộ.

Đảo Cát Hải: Phòng chống bão số 1 với tinh thần cao nhất - Ảnh 4.
Đảo Cát Hải: Phòng chống bão số 1 với tinh thần cao nhất - Ảnh 5.
Đảo Cát Hải: Phòng chống bão số 1 với tinh thần cao nhất - Ảnh 6.

Chính quyền và các chiến sĩ Biên phòng đến tận các lồng bè nuôi trồng thủy sản để tặng áo phao.

Luôn phòng chống bão với tinh thần cao nhất, kể cả sau đó bão có không đổ bộ đi chăng nữa. Đây chính là cách mà chính quyền và người dân huyện đảo, các lực lượng chức năng "sống chung với bão", để giảm thiểu tối đa thiệt hại trong tình huống bất ngờ và không để xảy ra những điều hối tiếc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước