Đặt mình vào hoàn cảnh người khác, đừng ở ngoài cuộc trong “thời gian vàng” dập dịch

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 17/07/2021 12:21 GMT+7

VTV.vn - Hơn lúc nào hết, mỗi người dân không thể đứng ngoài cuộc trong “thời gian vàng” dập dịch COVID-19 hiện nay.

Trong cuốn sách nổi tiếng Đắc nhân tâm có 1 chương viết về chủ đề "Đặt mình vào hoàn cảnh người khác", trong đó có đoạn: "Chỉ những con người phi thường, khôn ngoan và bao dung mới có thể đi theo con đường này". Rất tiếc, phần lớn chúng ta lại là nhưng người hết sức bình thường nên đây hẳn là một cách làm rất khó. Nhìn vào số tiền phạt những người ra đường không có lý do chính đáng kể từ khi TP Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ sẽ thấy.

Chuyện cô gái bị phạt vì chở mèo đi khám bệnh trong ngày giãn cách: Sự đồng cảm nào với cán bộ phòng dịch?

Kể từ 0h ngày 9/7, TP Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị số 16 trong vòng 15 ngày. Trong đó có quy định người dân chỉ ra ngoài trong những trường hợp thật sự cần thiết. Chỉ trong vòng 3 ngày sau đó, lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 200 trường hợp vi phạm với số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh của những bệnh nhân COVID-19 đang giành giật sự sống, đặt mình vào sự vất cả của những y bác sĩ tuyến đầu chống dịch thì ai lại ra đường không có lý do thời điểm vàng chống dịch này?

Giờ đây khi ra đường, nhiều dân người tại TP Hồ Chí Minh đang có một thói quen mới, từ mua chai nước tương tới đi đóng tiền điện, chỉ cần viết vài dòng lý do to, rõ ràng mang theo người để ai cũng thấy. Thế nhưng, lý do này có thật hay không, có thuyết phục hay không thì chắc chỉ chủ nhân của nó mới biết. Như câu chuyện cô gái bị phạt vì chở mèo đi khám bệnh được nhiều người quan tâm những ngày qua.

Đặt mình vào hoàn cảnh người khác, đừng ở ngoài cuộc trong “thời gian vàng” dập dịch - Ảnh 1.

Sở Thông tin và Truyền Thông và Chi cục Thú y Long An đều khẳng định rằng dịch vụ thú y là dịch vụ bình thường chứ không phải thiết yếu. Thực tế, 2 bạn trẻ mặc dù rất đau buồn vì tình trạng sức khỏe của chú mèo nhưng cũng đã nghiêm túc chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng. Người cán bộ chống dịch sau khi nhận nhiều ý kiến chỉ trích cũng đã có lời xin lỗi vì lời nói có phần thẳng thắn, bỗ bã của mình. Câu chuyện này đã khép lại nhưng sẽ thật là bất công khi chúng ta không thử đồng cảm với người cán bộ phòng vì những trách nhiệm và áp lực mà họ đang phải đối mặt.

Với những ai chưa kịp đặt mình vào vế sau của vấn đề, cuộc ghi âm điện thoại dưới đây sẽ giúp hiểu hơn về những thành viên tổ chống dịch để thông cảm hơn cho hành động và lời nói trong phút chốc họ.

- Người nhà bệnh nhân: Anh xem có đưa người nhà em đi được không? Em gọi điện về thấy giọng mệt lắm rồi…

- Nhân viên tổng đài: Em đã cố gắng hết sức rồi, em hiểu hoàn cảnh của chị nhưng giờ bệnh viện dã chiến đang hết giường, tụi em cũng không biết phải làm sao hết. Em xin chị, chị gọi thẳng lên Trung tâm giúp em…

Đặt mình vào hoàn cảnh người khác, đừng ở ngoài cuộc trong “thời gian vàng” dập dịch - Ảnh 2.

Đây là cuộc điện thoại được ghi âm vào lúc 16h30 ngày 12/7 của đường dây nóng Trạm y tế phường Tân Định, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Cuộc điện thoại của một người phụ nữ F0 đang cách ly điều trị, liên hệ với lực lượng y tế khi thấy mẹ và em gái mình là 2 F1 đang ở nhà có sức khỏe không được tốt. Theo thông tin cập nhật, sau đó 2 giờ đồng hồ, 2 trường hợp F1 này đã được các nhân viên y tế tiếp cận, đưa tới nơi cách ly điều trị. Tuy nhiên, điều chú ý hơn cả ở đoạn ghi âm này là giọng nói của người nhân viên trực đường dây nóng - giọng nói run lên như sắp khóc. Chẳng cần hình ảnh, âm thanh đó cũng đủ để minh chứng cho áp lực khủng khiếp mà lực lượng chống dịch đang phải đương đầu lúc này. Họ cần sự chia sẻ từ tất cả mọi người.

Thực tế, thời điểm hiện nay đang được coi là "thời gian vàng" để khống chế dịch bệnh. Tại TP Hồ Chí Minh, sau 8 ngày giãn cách, mặc dù số ca phát sinh tăng từng ngày nhưng số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng và bệnh viện đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên, thành phố cũng luôn sẵn sàng phương án nếu dịch bệnh có diễn biến xấu đi. Nhiều nhà chung cư tiếp tục sẵn sàng làm bệnh viện dã chiến; các kịch bản đảm bảo đời sống người dân nếu nhiều tỉnh thành khác cùng thực hiện Chỉ thị 16 được thiết kế; từng đoàn xe chi viện cho miền Nam vẫn nối đuôi nhau từ khắp mọi miền đất nước để bổ sung lực lượng cho các công tác: Truy vết - Khoanh vùng - Cách ly - Điều trị và chuẩn bị tiêm vaccine. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân không thể ở ngoài cuộc trong thời điểm này.

Hoạt động thiện nguyện nơi tâm dịch và những bình luận sắc lạnh như dao mổ

Trên mỗi góc phố tại TP Hồ Chí Minh lúc này, người ta có thể thấy những hình ảnh thật đẹp của tình người. Từ cá nhân tới tập thể, nhiều hoạt động thiện nguyện đang đồng loạt được triển khai. Hãy thử đặt mình vào những nhân vật trong câu chuyện về cách làm thiện nguyện nơi tâm dịch rất nóng trong tuần qua.

Yêu cầu một số người ra khỏi hàng, không được nhận đồ ăn bởi họ sơn móng chân và "có vẻ bụi đời" hay việc to tiếng nhắc đeo khẩu trang và cả dạy cách nói lời cảm ơn với 2 mẹ con người nhận túi bánh từ thiện. Những hành động này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về cách hành xử của những người đi làm từ thiện.

Đặt mình vào hoàn cảnh người khác, đừng ở ngoài cuộc trong “thời gian vàng” dập dịch - Ảnh 3.
Đặt mình vào hoàn cảnh người khác, đừng ở ngoài cuộc trong “thời gian vàng” dập dịch - Ảnh 4.

Nhận quá nhiều bình luận khiếm nhã, kêu gọi tẩy chay, người đàn ông đi làm từ thiện trong đoạn clip được chia sẻ đã phải đăng tải một đoạn clip dài gần 5 phút để gửi lời xin lỗi đến cộng đồng mạng, mong mọi người cho mình tiếp tục việc phát cơm từ thiện. Tuy nhiên, điểm đáng lưu tâm là cách phản ứng của cộng đồng mạng với anh ấy.

Cách phản ứng lúc thì ủng hộ, khi lại lên án của nhiều người trong câu chuyện này khiến chúng ta nghĩ đến 2 sự thật. 

Sự thật thứ nhất là một quy luật tâm lý trong bộ não của con người - Cảm xúc luôn song hành với Lý trí. Con người có xu hướng quyết định mọi việc dựa vào cảm xúc, sau đó mới dùng lý trí để giải thích cho quyết định của mình.

Sự thật thứ hai là chẳng ai trong phần lớn chúng ta có mặt ở bên người đàn ông phát cơm kia khi anh ta đang hoạt động. Tất cả những cảm xúc chúng ta có trong câu chuyện này đều đến từ một đoạn clip qua chiếc màn hình điện thoại của mình. Điều đáng sợ là ngay sau đó, nhiều dòng bình luận sắc lạnh như dao mổ đã được gửi đi.

Đặt mình vào hoàn cảnh người khác, đừng ở ngoài cuộc trong “thời gian vàng” dập dịch - Ảnh 5.

Sự công bằng là thứ vũ khí tuyệt vời nhất để thuyết phục một đám đông và cơm từ thiện thì không phải nồi cơm Thạch Sanh. Ta trách người phát cơm không biết đặt mình vào hoàn cảnh của những người khó khăn kia để thông cảm, trách họ sao lại đuổi người ta đi như thế. Nhưng ở chiều ngược lại, một cách công tâm, việc đặt mình vào hoàn cảnh của những người đi làm từ thiện để hiểu họ hơn cũng là điều không thể thiếu. Tất nhiên, sự thô lỗ đến mức chạm vào tự ái của người khác trong mọi hoàn cảnh đều là điều không nên.

Dù sao cũng phải thấy một điều rằng, trong dịch bệnh, thật nhiều câu chuyện đẹp về tình người đang được chia sẻ. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua với sự xuất hiện ngày một nhiều những lô vaccine ngừa COVID-19 tại Việt Nam. Và rồi 30 - 40 năm nữa, chúng ta sẽ lại ngồi kể cho con cháu mình nghe về những ngày gian khó này. Những đứa trẻ khi đó sẽ lại reo lên như cách chúng ta nghe ông bà mình thời nay kể về những ngày kháng chiến cứu quốc vậy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước