Đặt mục tiêu giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 23/11/2020 17:27 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định Phê duyệt Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030.

Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030 hướng đến mục tiêu bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện, có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Các mục tiêu cụ thể như sau:

- 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 50% năm 2025, đạt 52% năm 2030 và giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn;

- 75% cơ sở cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định;

- Trên 95% cấp xã tiếp tục triển khai cung ứng các biện pháp tránh thai phi lâm sàng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản vào năm 2025, đạt 100% năm 2030;

- 75% trạm y tế thuộc vùng mức sinh cao đủ khả năng cung cấp các biện pháp tránh thai theo quy định vào năm 2025, đạt 95% năm 2030;

- Trên 95% cấp huyện có cơ sở y tế cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới vào năm 2025, đạt 100% vào năm 2030;

- Trên 95% cấp xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, hệ lụy của phá thai, nhất là đối với vị thành niên, thanh niên vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, Chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số quy định về cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; ban hành nghị quyết, quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình; đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; có biện pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn đồng thời thử nghiệm, phổ biến các kỹ thuật mới, hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi hành vi thông qua việc định kỳ cung cấp thông tin, vận động cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ nguồn lực. Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Đa dạng hóa các loại hình truyền thông, chú trọng kênh thông tin đại chúng, các sản phẩm truyền thông phù hợp với từng vùng miền, địa phương; tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, mạng xã hội trong tuyên truyền, vận động về kế hoạch hóa gia đình; đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới và giới tính trong nhà trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi…

Đặt mục tiêu giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn - Ảnh 2.

Cần có phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới và giới tính trong nhà trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi… (Ảnh minh họa)

Một nhiệm vụ quan trọng khác Chương trình đề cập đến là việc phát triển mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở các cấp; đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; ưu tiên đầu tư cho vùng có mức sinh cao.

Mở rộng các hình thức cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tương, từng địa bàn; thí điểm mô hình hỗ trợ sinh sản, dự phòng, tầm soát vô sinh cho nhóm dân số trẻ; can thiệp, điều trị sớm một số nguyên nhân dẫn đến vô sinh…

Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình; huy động toàn bộ hệ thống y tế, dân số tham gia Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao; ưu tiên bảo đảm hoạt động ở tuyến cơ sở, vùng khó khăn có mức sinh cao; chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, chú trọng vào nhóm đối tượng thụ hưởng là nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là vị thành niên, thanh niên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Chương trình; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, bổ sung, ban hành các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai Chương trình.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham gia thực hiện Chương trình trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ đã được giao.

Khoảng 300.000 vụ phá thai hàng năm tại Việt Nam Khoảng 300.000 vụ phá thai hàng năm tại Việt Nam

VTV.vn - Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em - Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 300.000 ca phá thai được báo cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước