Dấu ấn của ngành điện trong phát triển nông thôn mới

P.V (tổng hợp)-Thứ ba, ngày 22/12/2020 11:25 GMT+7

Ảnh: Báo Nhân dân

VTV.vn - EVN đã cấp điện đến 100% số xã và 99,54% số hộ dân có điện trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hiện thực hóa mục tiêu thắp sáng mọi miền Tổ quốc.

Trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 4 về Điện nông thôn đã không ngừng được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây mới lưới điện trung, hạ áp bảo đảm "điện luôn đi trước một bước"; đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sinh hoạt và đảm bảo vận hành an toàn ổn định lưới điện của dân cư khu vực nông thôn.

Kết quả, trong 10 năm (2010-2019), tỷ lệ số xã có điện đã tăng từ 98,69% (năm 2010) lên 100% (năm 2018) và số hộ dân có điện sử dụng tăng hơn 8,4 triệu hộ từ 97,31% tương ứng 19 triệu hộ (năm 2010) lên 99,47% tương ứng 27,41 triệu hộ (6-2019). Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sử dụng tăng từ 96,29% tương ứng 13,26 triệu hộ (năm 2010) lên 99,18% tương ứng 16,98 triệu hộ (6-2019), cấp thêm cho hơn 3,72 triệu hộ dân nông thôn có điện lưới. Mức độ phủ điện ở Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực Philippines 93%, Indonesia 98,1%, Ấn Độ 92,6%, Lào 93,6%.

Bên cạnh đó, để các hộ dân được hưởng giá điện của Chính phủ, EVN cũng đã thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến từng hộ dân. Đến nay EVN đã bán điện trực tiếp tới 10.285 xã phường, tăng tỷ lệ số hộ dân nông thôn được mua điện trực tiếp của ngành Điện từ 89,9% năm 2012 lên 93,7% năm 2020. Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp của tất cả các xã, EVN và các đơn vị đều phải sửa chữa cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện để vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định, liên tục tới các hộ dân với chi phí cải tạo tối thiểu bình quân 1,2 - 1,5 tỷ đồng/xã. Tổng chi phí cải tạo tối thiểu lưới điện sau tiếp nhận hơn 8.000 tỷ đồng.

Để lưới điện nông thôn đáp ứng tiêu chí số 4 trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, EVN đã đầu tư cho lưới điện phân phối cung cấp cho khu vực nông thôn trong 10 năm là hơn 89.200 tỉ đồng. Trong đó riêng nguồn vốn vay ODA của các Tổ chức quốc tế khoảng 63.300 tỉ đồng (tương đương 3,0 tỷ USD). Tới cuối năm 2019, có 8.072/8.902 xã đạt tiêu chí số 4, góp phần quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp; làm thay đổi diện mạo nông thôn, thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Dấu ấn của ngành điện trong phát triển nông thôn mới - Ảnh 1.

Ảnh: TTXVN

10 năm qua, việc đầu tư phát triển điện khí hóa nông thôn đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện về vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, 10 năm trước đây, tại nhiều vùng nông thôn, hệ thống lưới điện luôn "xập xệ" cột tre, cột gỗ, dây dẫn nhỏ, chắp vá. Sau khi được ngành điện tiếp nhận và đầu tư cải tạo nâng cấp, đến nay, lưới điện đã được chỉnh trang, các hộ dân được cung cấp điện ổn định và an toàn. Cùng với đó, nhiều mô hình quản lý điện nông thôn không đủ khả năng chuyên môn nghiệp vụ như: Ban điện xã, tổ điện dân lập, tư nhân đầu tư,... đã từng bước được thay thế.

Trước đây khi nhiều huyện đảo vẫn chưa có điện lưới quốc gia, người dân trên các đảo chỉ được cấp điện một số giờ trong ngày, từ các nguồn phát đi-ê-den. Công suất các nguồn điện cấp chủ yếu chỉ để phục vụ chiếu sáng và những sinh hoạt tối thiểu của người dân. Sau khi được EVN tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp, người dân trên các đảo đã được cấp điện 24/24 giờ. Quan trọng hơn, người dân đã được hưởng giá điện thống nhất trên toàn quốc, không phải chịu giá điện cao như trước.

Với những kết quả đã đạt được, EVN đã được trao Huân chương Lao động hạng Nhất vì những đóng góp xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020.

Thời gian tới EVN sẽ tiếp tục đưa điện đến các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có điện, cùng với đó sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cung cấp và đảm bảo chất lượng điện phục vụ chuyển đổi, phát triển các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chương trình nông thôn mới của Đảng và Chính phủ bằng việc đầu tư nâng cấp và cải tạo lưới điện trung, hạ nông thôn tại 7.000 xã, giúp nâng cao chất lượng cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng với lượng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

EVN đã hoàn thành xuất sắc các dự án cấp điện cho đồng bào dân tộc tại các tỉnh: Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn; đã đưa lưới điện quốc gia vượt trùng khơi vươn tới các huyện đảo tiền tiêu tổ quốc với việc hoàn thành tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo, 82/85 xã đảo bao gồm: huyện đảo Vân Đồn (năm 1992), huyện đảo Cát Hải gồm 2 cụm đảo Cát Hải (năm 1991) và Cát Bà (năm 1998), huyện đảo Phú Quý (năm 1998), huyện đảo Lý Sơn (năm 2002), huyện đảo Phú Quốc (năm 2002), huyện đảo Cô Tô (năm 2013), huyện đảo Côn Đảo (năm 2014), huyện đảo Kiên Hải (năm 2014), huyện đảo Bạch Long Vỹ (năm 2016), huyện đảo Trường Sa và huyện đảo Cồn Cỏ (năm 2017).


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước