Đấu giá biển số ô tô – việc chưa có tiền lệ ở Việt Nam
Biển số xe tứ quý 8, hay ngũ quý 2, ngũ quý 5…và nhiều con số khác được các chủ xe cho là đẹp…có thể sẽ được đấu giá công khai trong thời gian tới. Trong ngày làm việc thứ 2 của Quốc hội, Chính phủ đã trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Dự thảo có 7 quy định về: đối tượng áp dụng; hình thức đấu giá, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; hay các quy định về chuyển nhượng, thừa kế, cũng như nguồn thu sau đấu giá và giá khởi điểm.
Nhiều chủ phương tiện cho biết họ sẵn sàng chờ đợi để được đấu giá biển số xe nhằm tránh những số không may mắn.
Có nhiều người, nhất là những người làm kinh doanh có chia sẻ, với họ các con số là rất quan trọng. Bốc trúng biển xấu tuy chưa ảnh hưởng gì nhưng làm họ có cảm giác bồn chồn, không an tâm.
Chính vì vậy, trước đây để có biển số ưng ý, họ cho biết phải nhờ đến những "dịch vụ" thì nay được đấu giá công khai, mọi thứ phụ thuộc vào mức giá sẵn sàng trả. Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội việc đấu giá biển số xe có thể sẽ vướng các quy định trong Luật đấu giá tài sản, Luật giao thông đường bộ.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: "Việc mà đấu giá số xe hiện nay đang khác với quy định của Luật Giao thông đường bộ và Luật đấu giá tài sản. Như vậy việc này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Thứ hai, việc đấu giá đối với số xe, số đăng ký xe thì đây là một việc làm hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới đã có rất nhiều nước đã thực hiện việc này. Do đó cần có thí điểm trong một khoảng thời gian nhất định và trên một số địa bàn, một số tỉnh nhất định để từ đó chúng ta sẽ tiến hành sơ kết và tổng kết để có những đánh giá một cách chính xác nhất".
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội nhấn mạnh: "Phải đối chiếu, so sánh với các quy định của pháp luật. Nếu đã được coi như là đấu thầu, tức là đấu giá biển số xe đó xác định cái biển số xe đó có phải là tài sản không nằm trong danh mục, khái niệm về góc độ tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự. Nếu đó là tài sản thì lại phải có hành lang pháp lý để bảo vệ địa vị pháp lý của tài sản đó như thế nào cho người đó có quyền được sở hữu, được sử dụng, được định đoạt cái biển số mà theo đúng mong muốn".
Việc cấp biển số ô tô ở Mỹ ra sao?
Có thể thấy nhu cầu sở hữu một biển số đẹp là rất lớn trên thị trường. Ngay bây giờ khi chưa có đấu giá thì vẫn có những hoạt động mua bán biển số, có mức giá vài trăm triệu, thậm chí lên đến cả tỷ đồng. Rõ ràng, việc đấu giá công khai, minh bạch là mũi tên trúng 2 đích, vừa đảm bảo nhu cầu của người dân, lại vừa tạo ra sự minh bạch trong nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tâm lý muốn sở hữu những biển số đẹp, mang phong thủy cũng là tâm lý chung của người dân châu Á. Minh chứng là việc đấu giá biển số xe hiện đã và đang được nhiều nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Singapore triển khai. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, với người phương Tây, được cho là lại không quá coi trọng các con số như ở Mỹ, thì mọi người dường như không quan tâm đến việc sở hữu một con số đẹp nào.
Để sở hữu một biển số xe ở Mỹ dù là tứ quý, ngũ quý hay là ký tự đặc biệt thì chi phí cấp biển số ô tô dưới 10 tấn, ở thủ đô Washington DC, hiện là 72 USD. Việc cấp hoàn toàn tự động. Thông thường trong khoảng 2 tuần, là biển số nhôm sẽ được chuyển về địa chỉ người đăng ký xe như đã khai trên mạng. Nếu không thích biển số đó, và muốn đổi, người dân hoàn toàn có quyền vào mạng của Sở Giao thông đăng ký, nộp thêm tiền chi phí làm biển số, như ở thủ đô Washington DC là 100 USD, để được đăng ký biển số mới, và nộp lại biển số đã cấp.
Biển số mới, phải bảo đảm không vi phạm các thuần phong mỹ tục, dưới 7 ký tự, bao gồm cả chữ và số, không trùng với các xe đã được cấp trước đó, là được chấp nhận. Chính quyền Mỹ coi việc cấp biển số ô tô cho người dân là một dịch vụ công, để thuận tiện cho việc quản lý, và không coi đó là một nguồn thu của ngân sách, nên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân.
Tại Mỹ, biển số ô tô là để phân biệt xe này với xe khác, như địa chỉ thư điện tử, email, gắn với quyền và trách nhiệm. Cơ quan quản lý chỉ biết chiếc xe đó, biển số đó, gắn với người chủ ấy. Vậy mọi vi phạm của chiếc xe đó gắn với biển số ấy, người chủ xe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, luật pháp luôn hiểu chủ xe là người lái chiếc xe đó.
Vì vậy, khi bán xe, chủ xe không muốn mình phải nộp tiền phạt cho người khác, nên thường tháo biển số và nộp lại cho sở giao thông, không còn chịu trách nhiệm với cái xe và biển số xe đó nữa.
Khi mua xe khác, người mua có thể đăng ký lại biển số đó, nếu trước đó chưa có ai đăng ký. Khi chuyển đến bang khác, như ở Việt Nam là chuyển đến tỉnh khác phải đổi biển số. Nếu thích biển số cũ, người mua có thể giữ biển số cũ tạm thời, nhưng phải báo và đăng ký địa chỉ mới với Cơ quan quản lý, để mọi chi phí từ bảo hiểm, hay các biên lai phạt sẽ nộp về địa chỉ mới. Tránh trường hợp chậm nộp phạt sẽ bị tòa án triệu tập và khi đó các khoản nộp đội lên rất nhiều.
Khi mua một chiếc xe ô tô, ai cũng muốn chọn cho mình một biển số xe đẹp, hợp phong thủy theo quan niệm từ xưa để mong may mắn, thượng lộ bình an. Nhiều người sẵn sàng chi ra số tiền khủng để sở hữu những chiếc biển số đẹp. Và cũng dựa trên tâm lý này, đã có nhiều vụ đầu cơ trục lợi từ biển số.
Chính vì vậy những quy định trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá được nhiều người kỳ vọng tăng công khai, minh bạch việc sử dụng các biển số đẹp, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, hạn chế tình trạng đầu cơ biển số và tránh gây phức tạp trong xử lý hệ quả thí điểm đối với các biển số ô tô được cấp thông qua đấu giá, giúp dễ dàng trong việc quản lý cũng như xử lý đối với các chủ xe.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!