Hội thảo có sự tham gia của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực ung thư ở Việt Nam.
Hiện tại, trên toàn cầu có khoảng 20 triệu người đang sống chung với bệnh ung thư. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời thì con số này sẽ lên tới 30 triệu vào năm 2020. Các nghiên cứu cho thấy khu vực Đông Nam Á chưa có những chương trình sàng lọc và phát hiện ung thư sớm, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa.
Nghiên cứu của trường đại học Nagoya cho thấy, nếu các bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa được phát hiện sớm sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và không ảnh hưởng tới chất lượng sống.
Với sự hỗ trợ kinh phí của Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và hỗ trợ kỹ thuật của Đại học Nagoya, Bộ Y tế đã thành lập hai Trung tâm Nội soi tiêu hóa tại bệnh viện Bạch Mai và Đại học Y Thừa Thiên Huế. Hai trung tâm này được đầu tư trang bị hệ thống máy móc nội soi, siêu âm hiện đại và các bác sĩ được chuyển giao công nghệ. Đến nay, việc điều trị ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn sớm bằng phương pháp kỹ thuật cắt tách niêm mạc đường tiêu hóa bằng nội soi thực quản dạ dày/đại tràng mà không cần phẫu thuật đã được thực hiện thành công tại Việt Nam.
Trong thời gian tới Trường Đại học Nagoya mong muốn xây dựng Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Y Thừa thiên Huế trở thành hai trung tâm quốc tế đào tạo chuyên sâu về tiêu hóa.
Nhật Bản hiện là một trong những nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam nói chung và ngành y tế nói riêng. Thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho ngành Y tế Việt Nam rất nhiều dự án viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.