Đẩy mạnh triển khai các giải pháp điều trị hậu COVID-19 cho người dân

Minh Đức-Thứ tư, ngày 01/06/2022 15:33 GMT+7

Nguồn: VTV

VTV.vn - Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, cơ sở khám chưa bệnh đẩy mạnh các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác khám, chữa bệnh hậu COVID-19, tránh lạm dụng quá mức.

Bộ Y tế đã ban hành công văn gửi Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế; Thủ trưởng y tế ngành về việc tăng cường khám chữa bệnh thường quy và cho người sau mắc COVID-19 (hậu COVID-19).

Theo Bộ Y tế, tính đến nay trên cả nước số người mắc COVID-19 là trên 10,7 triệu người, với trên 9,4 triệu người khỏi, số ca mắc mới đang có xu hướng giảm dần.

Trong các trường hợp khỏi bệnh, một số người dân sau mắc COVID-19 xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe.

Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân nói chung và người sau khi mắc COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Y tế ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai một số giải pháp, cụ thể:

Các đơn vị củng cố hệ thống khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh thường quy, đồng thời bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó chú trọng các giải pháp cải tiến, tăng cường chất lượng khám chữa bệnh.

Việc khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người mắc và sau mắc COVID-19 thực hiện theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần; Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tính do SARS CoV-2 (COVID-19); Tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19...

Việc khám, chữa bệnh thường quy và khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người có dấu hiệu, triệu chứng sau khi mắc COVID-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo cách tiếp cận đa khoa, chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa (đặc biệt chú ý về lĩnh vực hô hấp, tim mạch, sức khỏe tâm thần, phục hồi chức năng...), bảo đảm các chỉ định phù hợp, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.

Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân và nhân viên y tế hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng sau mắc COVID-19, thời điểm người dân cần đi khám, chữa bệnh, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các đơn vị cũng tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tư vấn sức khỏe cho người dân về phương pháp phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc hoặc chấn chỉnh nếu cần thiết.

Bộ Y tế giao thủ trưởng các đơn vị có giường bệnh tổng hợp báo cáo về tình trạng hậu COVID báo cáo Bộ Y tế để tiếp tục đề xuất cập nhật hướng dẫn chuyên môn, giúp tối ưu hóa kết quả điều trị.

Trên đây là ý kiến của Bộ Y tế, yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế ngành nghiêm túc triển khai thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước