Bài toán xử lý rác thải điện tử
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, theo kết quả của Viện Khoa học công nghệ, môi trường, tại Việt Nam, mỗi năm phát sinh 100.000 tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng rác thải tivi lên đến 250.000 nghìn tấn.
Đại biểu nêu nghịch lý khách quan của sự phát triển và vấn đề môi trường, sức khỏe con người: càng phát triển, càng tăng trưởng, càng giàu càng tiêu xài thì lượng rác thải càng tăng về quy mô, chủng loại và tính chất… Các quốc gia có chính sách đúng thì hóa giải được nghịch lý này. Còn ở Việt Nam, tình trạng này luôn luôn tụt hậu, tốc độ thải ra luôn vượt quá tốc độ xử lý cả về tốc độ, quy mô, công nghệ và trở thành vấn nạn, thậm chí trở thành quy mô cục bộ của địa phương. Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thông tin cho cử tri về các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của Chính phủ về vấn đề rất đáng được quan tâm này.
Cũng trong buổi chất vấn sáng 06/6, Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQh tỉnh Bến Tre cũng đặt ra vấn đề: Giải pháp đột phá nào để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước, xử lý nước thải, rác thải, Đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho biết vấn đề này luôn được Nhân dân và cử tri quan tâm với nhiều vướng mắc cần sớm được xem xét. Đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 04 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu (trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn 31 lượt đại biểu tranh luận); còn 160 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, "đúng" và "trúng" những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội qua thực tiễn hoạt động của mình đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề, hầu hết các đại biểu khi hỏi chỉ nêu 01 vấn đề nên có nhiều đại biểu được chất vấn và cũng thuận lợi trong việc theo dõi, ghi chép và trả lời của Chủ tọa, các Bộ trưởng, Trưởng ngành; nội dung các câu hỏi cơ bản thuộc nội dung, phạm vi chất vấn. Qua quá trình chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp, với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực, tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!