Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer đang ngày càng khởi sắc. Đây là kết quả của các chương trình, dự án thuộc chính sách dân tộc và nỗ lực vươn lên của chính bà con. Khối đại đoàn kết các dân tộc cũng từ đó được củng cố và tăng cường.
Một trong hàng chục căn nhà vừa được cất mới cho bà con dân tộc Khmer gặp khó khăn. Niềm vui càng được nhân lên gấp bội khi lúa trúng mùa, được giá. Đây là điều kiện quan trọng để bà con vươn lên thoát nghèo, làm ăn khấm khá.
"Các cơ quan của Nhà nước quan tâm, giúp đỡ cho các đồng bào dân tộc Khmer, gửi phần quà cho gia đình nghèo, nên bà con cũng phấn khởi", ông Đào Loan, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, chia sẻ.
Một trong hàng chục căn nhà vừa được cất mới cho bà con dân tộc Khmer gặp khó khăn.
Cần Thơ hiện có hơn 23.000 người Khmer, trong đó chỉ còn khoảng 50 hộ nghèo. Năm qua, thành phố đã xây dựng, sửa chữa hơn 60 căn nhà, trao tặng gần 5.000 phần quà cho đồng bào. Gần 2.500 hộ được vay vốn ưu đãi, nhờ đó số hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào giảm mạnh theo từng năm. Các loại hình văn hóa, tiếng nói, chữ viết cũng được bảo tồn, phát huy.
"Cần Thơ tập trung thực hiện nhiều nội dung từ đất ở, nhà ở, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giáo dục đào tạo, đặc biệt là dạy nghề, giải quyết việc làm", ông Hồ Văn Phương, Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Cần Thơ, cho biết.
Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 222 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số khó khăn, đặc biệt khó khăn. Các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang… đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sự đầu tư cơ sở hạ tầng giúp cải thiện sinh kế cho bà con. Bộ mặt nông thôn, chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc được nâng lên theo hướng bền vững, hạnh phúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!