ĐBSCL: Hệ lụy từ hiện tượng nước sông dâng cao bất thường

Đ.Huyền-Thứ ba, ngày 31/05/2022 15:45 GMT+7

Nước sông dâng cao hơn cùng kỳ năm ngoái ảnh hưởng đến sinh kế người dân.

VTV.vn - Nước sông vùng ĐBSCL dâng cao từ thời điểm mùa khô và kéo dài sang đầu mùa mưa được cảnh báo sẽ gây hệ luỵ đến môi trường sinh thái và sinh kế của người dân.

Việc gia tăng xả nước của các đập thủy điện thượng nguồn cùng với sự xuất hiện sớm của mưa giúp hạn mặn giảm đáng kể trong mùa khô năm nay. Tuy nhiên, việc nước sông dâng cao từ cuối mùa khô và thời điểm ngay đầu mùa mưa được chuyên gia cảnh báo có thể gây tác động xấu cho vùng ĐBSCL.

Tại một số tỉnh vùng đầu nguồn mực nước bất ngờ tăng cao trong hơn hai tháng qua, có thời điểm tăng đến vài tấc so với năm trước. Một số tỉnh vùng đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp tăng cao hơn cùng kỳ từ 20 đến 30 cm.

Theo lý giải của Đài khí tượng thủy văn Đồng Tháp, lượng mưa trong tháng 4 và tháng 5 năm nay cao hơn trung bình nhiều năm 30%. Ngoài ra, việc các đập thủy điện thượng nguồn xả nước cũng là nguyên nhân khiến mực nước trên các con sông cao hơn cùng kỳ.

Lượng nước ngọt trên các sông dồi dào, nên mùa khô vừa qua, nông dân đồng bằng sông Cửu Long ít chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Mặc khác, điều này cũng giúp đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn một triệu ha lúa hè thu. Tuy nhiên, hiện tượng nước sông dâng cao trái với tự nhiên này được dự báo ảnh hưởng lớn hệ sinh thái cũng như sinh kế của người dân.

Ông Huỳnh Văn Gia ở TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, "năm nay thì nước lên có cao hơn năm ngoái một chút, nhưng mà cá mắm thì không bằng những năm khác. Nước lên thì làm gì có cá mắm mà đánh bắt".

Hoạt động tích nước mùa lũ, xả nước phát điện trong mùa khô cũng đang làm cho hệ sinh thái vùng hạ nguồn đảo lộn. Mùa lũ mực nước ở đầu nguồn thấp, còn mùa khô nước lại tăng cao.

Các chuyên gia nhận định, việc nước sông dâng cao trong mùa khô sẽ gây khó cho chính người dân vùng ven biển. Bởi trong mùa khô, nông dân ở các địa phương ven biển cần nước mặn để nuôi trồng thủy sản, trong khi nước ngọt về nhiều sẽ đẩy mặn ra xa. "Chúng ta cần tăng cường cái giải pháp đối thoại cho các nước ở vùng sông Mekong. Các đập thủy điện khi xả nước thì cần phải có thông báo cho các nước ở hạ nguồn biết để mà có giải pháp ứng phó". Ông Lê Anh Tuấn - Nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ nêu ý kiến.

Để ứng phó, Chính phủ nhiều năm qua đã cho có sự điều chỉnh cơ cấu sản xuất ở vùng đất này. Diện tích trồng lúa cần nhiều nước ngọt được giảm dần thay vào đó là thủy sản và cây ăn trái. Hệ thống thủy lợi cũng phát triển đồng bộ theo hướng chủ động điều tiết mặn, ngọt.

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, 13 tỉnh, thành thành được chia thành 3 vùng sinh thái tướng ứng với các điều kiện sản xuất, ngọt mặn, lợ. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương hoàn thiện quy hoạch chi tiết sản xuất thích ứng với điều kiện thiếu nước ngọt và xâm nhập ngày càng gia tăng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước