Việt Nam chính thức tham gia Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 1987. Hiện Việt Nam có 8 di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Là thành viên tích cực, chủ động, công tác quản lý di sản thế giới của Việt Nam có những chuyển biến tích cực.
Trong ảnh: Khách du lịch tham quan Khu du lịch Tràng An. Ảnh: TTXVN
Gần 10 năm Kể từ khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Tràng An luôn được đánh giá hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Từ một địa phương bị ô nhiễm bởi khai thác xi măng, giờ Ninh Bình 4 năm liền lọt danh sách điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, điểm đến thân thiện nhất thế giới, tạo 20.000 việc làm cho người lao động.
Cố đô Huế bảo tồn di sản, hướng tới hình thành đô thị cố đô trong tương lai. 20 năm qua, tại Hội An, chính người dân tham gia bảo tồn nhà cổ và hưởng lợi từ di sản. Khai thác du lịch dịch vụ tại đây chiếm hơn 70% GDP toàn thành phố. Hoàng Thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, Di tích Mỹ Sơn, Phong Nha Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long là di sản nhất định phải đến của khách quốc tế. Bên cạnh nỗ lực từ các địa phương, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam dần tiệm cận với tinh thần Công ước UNESCO năm 1972.
Từ ngày 2-4/7, Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam sẽ được tổ chức tại Ninh Bình. Đây không chỉ là cơ hội quảng bá văn hóa, thiên nhiên mà còn khẳng định Việt Nam luôn chung tay cùng cộng đồng quốc tế gìn giữ di sản thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!