Đề nghị tăng lương cơ sở sớm hơn nửa năm

Thuỳ An-Thứ bảy, ngày 22/10/2022 12:01 GMT+7

VTV.vn - Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) đề nghị tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023 như dự kiến.

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, sáng 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho biết rất phẩn khởi với việc Quốc hội sẽ bàn và quyết định từ 1/7/2023 tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Theo ông Thái, với đề án cải cách tiền lương, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đến năm 2023 cũng chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, cử tri muốn biết lộ trình thực hiện hiện thế nào, đến bao giờ những người hưởng lương trong ngân sách nhà nước sẽ được áp dụng thực hiện.

Về tăng lương cơ sở, ông Thái cho biết cử tri cũng có nguyện vọng được thực hiện sớm hơn 6 tháng. Thay vì 1/7/2023, cử tri mong muốn được thực hiện tăng lương cơ sở từ 1/1/2023.

Đề nghị tăng lương cơ sở sớm hơn nửa năm - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu)

Trước đó phát biểu trước Quốc hội hôm 20/10, trong dự kiến kế hoạch phát triển KTXH 2023, nêu một trong các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, Thủ tướng cho biết sẽ hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023.

Liên quan đến đề xuất của ông Thái, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết qua tham mưu của Bộ Tài chính, Chính phủ, việc tăng lương từ 1/7/2023 đã được tính toán đầy đủ các nguồn lực của nhà nước.

Cũng liên quan đến việc tăng lương cơ sở, đại biểu Nguyễn Huy Thái cho biết cử tri cũng kiến nghị tăng lương là rất quý nhưng làm sao để bình ổn giá cũng rất quan trọng. 

“Nếu như giá cả ổn định thì vấn đề tăng lương cơ sở mới có giá trị”, ông Thái nói và lấy dẫn hiện nay cử tri đang rất lo ngại học phí và dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương không tăng. 

Sớm khắc phục tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc

Cũng trong thảo luận tổ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cho biết, cử tri băn khoăn hiện nay trong 2,5 năm qua có gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó lưu tâm nhất là công chức, viên chức ngành giáo dục và y tế.

Theo ông Khánh, vừa qua việc tuyển dụng của 2 ngành này rất khó. Trong đó, có nhiều nguyên nhân nhưng lý do chính vấn là áp lực công việc và thu nhập thấp. 

Cũng theo đại biểu Quốc hội này, với giáo viên ở vùng xâu vùng xa lương vẫn thấp, điều kiện đi lại rất khó khăn. Do đó, 5 năm trở lại đây nhiều giáo viên đã xin về dưới xuôi để làm việc, bỏ việc. Thống kê 1 năm có gần 300 giáo viên về hưu, bỏ việc, chuyển việc. Trong khi đó, giáo viên thiếu nhất hiện nay là tin học và ngoại ngữ. Đây là bài toán không chỉ của riêng Lai Châu mà nhiều tỉnh khác cũng gặp phải. 

Đề nghị tăng lương cơ sở sớm hơn nửa năm - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu)

Ông Khánh cũng thông tin, hiện mỗi tỉnh lại có một chính sách, cơ chế thu hút, đãi ngộ riêng thì đương nhiên cán bộ, công chức, viên chức không muốn đến các tỉnh miền núi làm việc.

Từ những dẫn chứng trên, ông Khánh cho biết cử tri kiến nghị rất nhiều việc tăng lương. Còn những vấn đề như môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến sẽ thực hiện từng bước một. Trong đó, sớm tăng lương cơ sở để từng bước tháo gỡ khó khăn.

Ông Khánh cũng đề nghị Chính phủ có chính sách thu hút chung cho cả nước và có đặc thù cho từng vùng miền. Việc này nhằm không để mỗi tỉnh ban hành một chính sách thu hút riêng. Bởi lẽ chăm sóc sức khỏe và giáo dục ở đâu cũng có nhu cầu như nhau, do đó cần có cơ chế chung.

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, tiền lương và thu nhập hiện hay là cản trở của thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong ngành y tế, giáo dục. Lương người lao động thấp thu hút nhiều vốn FDI nhưng phải có phân tích để thấy được mặt trái, mặt phải của vấn đề này. Đại biểu đề nghị cần xem lại thể chế về lương và thu nhập khi đây là vấn đề còn bất hợp lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước