Theo quy định, người tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 hay còn gọi là F1 phải cách ly 5 ngày mới được đi làm. F0 đương nhiên phải cách ly nhưng ngay trong tuần này, có sự kiện đáng chú ý là tỉnh Long An đã trở thành địa phương đầu tiên thực hiện việc cho F1, FO đi làm.
Trước đó ít ngày, Bộ Y tế cũng đã đưa ra đề xuất F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly cụ thể như sau: F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến. Ngay tại thời điểm mỗi ngày cả nước có hàng trăm nghìn ca mắc mới vậy sao lại có đề xuất này?
Hoạt động sản xuất gặp khó
Tại một phân xưởng sản xuất có 5 dây chuyền, chỉ 3 dây chuyền hoạt động. Mỗi dây chuyền cần 32 người làm mới hiệu quả nhưng cả tuần nay mỗi dây chuyền còn có 10 người. Dù đơn hàng nhiều nhưng doanh nghiệp cũng không dám cho tăng ca vì phải đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Có thời điểm 60% trên tổng số 1.000 lao động của công ty nghỉ làm vì liên quan đến F0. Không chỉ khối sản xuất mà ngay cả khối văn phòng cũng ảnh hưởng rất nhiều vì thiếu người làm.
Trước tình hình số lượng F1 ngày càng tăng theo các ca bệnh, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp Bắc Ninh đã kiến nghị bỏ quy định F1 phải cách ly 5 ngày mới được đi làm, thay vào đó cho F1 đi làm ở phân xưởng riêng.
Nếu F1 được phép đi làm tại một khu vực riêng, các doanh nghiệp sẽ bớt đi một phần khó khăn do thiếu nhân lực.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị được tự test nhanh những F0 đã khỏi bệnh để được sớm quay trở lại làm việc.
Nếu tính địa phương, Long An là tỉnh đầu tiên cho F1, F0 đi làm nhưng nếu tính theo ngành thì Y tế chính là ngành đầu tiên thực hiện điều này. Xuất phát từ nhu cầu về lực lượng nhân viên y tế trong dịch, điều kiện đặc trưng trong nghề thì việc các nhân viên y tế vẫn đi làm khi mắc bệnh.
Xung quanh đề xuất F0, F1 đi làm
Là bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội thu dung và điều trị các ca mắc COVID-19 nặng và nguy kịch, bệnh viện Thanh Nhàn trong đợt dịch lần này cũng ghi nhận nhiều nhân viên y tế là F0. Tuy nhiên thay vì nghỉ, cách ly, nhiều nhân viên y tế có triệu chứng nhẹ đã tình nguyện cách ly tại bệnh viện để tiếp tục làm việc.
Theo đề xuất của Bộ Y tế, F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm với hình thức trực tuyến, có thể chăm sóc người bệnh COVID-19 tại gia đình, cơ sở điều trị.
F1 thì có thể tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến, nếu làm việc trực tiếp, các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.
Theo các chuyên gia y tế, về mặt nguyên tắc, những trường hợp F0 là người mang mầm bệnh sẵn sàng truyền bệnh cho người khác, cho nên F0 vẫn phải thực hiện cách ly và khi họ có kết quả âm tính thì có thể tham gia điều trị, chăm sóc cho F0 khác.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tùy đặc thù của các ngành nghề mà bố trí công việc phù hợp đối với các F0, F1. Một số ngành nghề như giáo viên hoặc những công việc phải thường xuyên giao tiếp thì F0 nên cách ly tại nhà vì quá trình giao tiếp vẫn có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho trẻ.
Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều sau 2 năm dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam. Quan điểm coi COVID-19 như các bệnh thông thường khác đang được xem xét. Thay đổi từ nền tảng nhận thức, hiểu biết và sự chuẩn bị, ứng phó trước dịch bệnh phải bắt đầu từ chính tư duy.
Không dễ khi đối mặt với dịch bệnh, nhất là khi phải đối mặt với một loại virus biến đổi không ngừng, nên chúng ta cũng phải linh hoạt không ngừng. Có những việc trước đây không thể làm, chưa thể thực hiện thì nay đã có thể làm có thể hiện thực hóa bởi các điều kiện liên quan có thể áp dụng được. Nhưng dù là đề xuất nào thì ý thức mỗi người trong việc thực hiện là quan trọng nhất để đảm bảo không lây lan dịch bệnh, bảo vệ chính mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!