Đề xuất lương giáo viên cao nhất trong thang bậc lương hành chính

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 01/11/2023 10:36 GMT+7

VTV.vn - Theo đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ), đề xuất sẽ giúp giáo viên yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy học hiện nay.

Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) cho biết, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiếp tục được triển khai hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.

Tuy nhiên, theo đại biểu, từ năm 2024-2030, Việt Nam cần khoảng 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao làm cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Đại biểu cho rằng, đây là một việc vô cùng khó thực hiện và băn khoăn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này.

Đề xuất lương giáo viên cao nhất trong thang bậc lương hành chính - Ảnh 1.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ)

Tiếp theo bà Phượng, tập trung vào vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay.

Theo Nghị quyết số 29 của Trung ương (về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế) có nêu: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".

Tuy nhiên theo đại biểu Hà Ánh Phượng, thực tế qua 10 năm thực hiện, chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc làm thêm; điều này dẫn đến tình trạng giáo viên chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề.

Bên cạnh đó, nhân viên trường học là một bộ phận thường chiếm tỉ lệ ít hơn 10% tổng biên chế của trường học nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành và phát triển của một ngôi trường.

"Mặc dù họ làm việc 8 tiếng một ngày nhưng họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và họ cũng không được hưởng thâm niên như nhà giáo dù làm cùng một ngành.

Hiện nay phụ cấp của họ là rất thấp, có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo chính chất công việc, theo vùng đúng như Nghị quyết 29 đề ra", đại biểu đoàn Phú Thọ cho biết.

Đồng thời đại biểu cũng đề nghị có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy học hiện nay.

Liên quan đến vấn đề tăng lương, thảo luận tại Hội trường vào chiều qua (31/10), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết sau gần 80 năm độc lập, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm trong khi thời giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần.

Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999).

Đề xuất lương giáo viên cao nhất trong thang bậc lương hành chính - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn)

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.

Còn bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đánh giá, nội dung cải cách tiền lương nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo cử tri và nhân dân.

Đặc biệt, với bộ phận cán bộ, công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì đây là nội dung được kỳ vọng rất lớn. Bởi vì, theo đánh giá với cách tính lương hiện nay thì tiền lương của những đối tượng này đang rất ít ỏi, lạc hậu so với mặt bằng giá cả và cuộc sống nói chung.

Đại biểu Nga cho hay, cải cách tiền lương không đơn thuần là tăng lương, mà đây là cách tính lương mới không theo thang bảng lương cũ. Tiền lương sẽ không được xếp theo thang bảng lương cũ và tăng dần theo thời gian cán bộ, công chức viên chức làm việc. Điều quan trọng là lương được xếp theo yêu cầu công việc.

"Nghĩa là với một vị trí việc làm nhất định, tiền lương sẽ được ấn định là bao nhiêu và không phụ thuộc vào việc cán bộ, công chức viên chức đó đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm, bao nhiêu năm công tác", đại biểu đoàn Hải Dương cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước