Đề xuất quy định mới về Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

Theo Báo điện tử Chính phủ-Thứ năm, ngày 12/12/2024 05:50 GMT+7

Bộ LĐTBXH đang dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục thành lập, chế độ làm việc, trách nhiệm, kinh phí hoạt động và bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, ngày 29/6/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 tiếp tục khẳng định vị trí, chức năng và quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội được tổ chức ở cấp quốc gia có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội và tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 bên cạnh việc tiếp tục kế thừa, ghi nhận nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung các quy định mới về Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội (cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội,..).

Tại khoản 4 Điều 19 của Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 giao Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thành lập, chế độ làm việc, trách nhiệm, kinh phí hoạt động của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội thời gian qua cũng đã cơ bản triển khai thực hiện được các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhiệm vụ chất lượng, hiệu quả thực hiện chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân chủ yếu là do: (i) Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có chức năng chỉ đạo, giám sát hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội trong khi toàn bộ công tác đảng, công tác cán bộ, công tác tài chính, trụ sở làm việc đều phụ thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sử dụng chung con dấu với Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho nên không đảm bảo tính độc lập, khách quan, khó có thể phát huy được chức năng, nhiệm vụ được giao; (ii) Bộ máy giúp việc cho Hội đồng quản lý hiện nay còn chưa đảm bảo về cơ cấu tổ chức, quy mô, số lượng biên chế, năng lực trình độ chuyên môn;..

Xuất phát từ những lý do, yêu cầu nêu trên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc trình Chính phủ Nghị định quy định trình tự, thủ tục thành lập, chế độ làm việc, trách nhiệm, kinh phí hoạt động và bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội là hết sức cần thiết.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục thành lập, chế độ làm việc, trách nhiệm, kinh phí hoạt động và bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội được kết cấu gồm 10 điều, trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp về Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội tại Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 4/8/2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tố chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và hướng dẫn, cụ thể hoá hơn các quy định có liên quan đến Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15.

Vị trí, chức năng Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

Theo dự thảo, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội được tổ chức ở cấp quốc gia có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội và tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội sử dụng con dấu hình Quốc huy, là đơn vị tài chính cấp I, có trụ sở riêng tại thành phố Hà Nội.

Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là: Social Security Management Council (viết tắt là SSMC).

Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

Theo dự thảo, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội thông qua các nội dung Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội, kế hoạch dài hạn, 05 năm về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chiến lược đầu tư dài hạn trước khi cơ quan bảo hiểm xã hội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Kế hoạch hằng năm về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; các báo cáo hằng năm về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tình hình quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế trước khi cơ quan bảo hiểm xã hội trình cấp có thẩm quyền...

Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư cụ thể của các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế trên cơ sở đề nghị của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội giám sát, kiểm tra việc thực hiện của cơ quan bảo hiểm xã hội về các chiến lược, kế hoạch, đề án, phương án sau khi được các cơ quan có thẩm quyền thông qua, phê duyệt; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chiến lược phát triển bảo hiểm xã hội, kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ chế quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế.

Hằng năm, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoạt động, tình hình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định này.

Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.

Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội hợp tác, phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành và chính quyền các địa phương, các tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật để giám sát và chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Cơ cấu thành phần Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

Theo dự thảo, Chính phủ thành lập Hội đồng quản lý gồm Chủ tịch là Bộ trưởng Bộ Tài chính; 02 Phó Chủ tịch chuyên trách và các ủy viên.

Các ủy viên Hội đồng quản lý gồm: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thứ trưởng Bộ Y tế; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; 01 ủy viên chuyên trách là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; 01 ủy viên chuyên trách là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực bảo hiểm y tế; 01 ủy viên chuyên trách là chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực tài chính công; Ủy viên khác do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm (nếu cần thiết).

Đề xuất 2 phương án Bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý

Về bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý, tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: Bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý gồm Văn phòng Hội đồng quản lý và Ban chuyên môn, cụ thể gồm: Ban giám sát Đầu tư quỹ và kiểm tra thực hiện chính sách; Văn phòng Hội đồng quản lý.

Phương án 2: Bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý là Văn phòng Hội đồng quản lý.

Tổ chức Đảng, đoàn thể của bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý được thành lập và hoạt động theo quy định hiện hành...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước