Đánh giá tác động khi tích hợp thông tin cá nhân vào căn cước công dân
Sáng 17/3, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Luật Căn cước công dân được Quốc hội khóa XIII thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ và góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ Căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dựng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 04 nhóm chính sách:
- Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân. thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân.
- Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
- Bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.
- Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.
Trình bày báo cáo thẩm tra đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, với quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào căn cước công dân, thường trực ủy ban và các cơ quan tán thành với chính sách này.
Tuy nhiên, theo báo cáo, việc đưa nhiều thông tin cá nhân vào thẻ căn cước công dân dẫn đến tăng nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân. Đề nghị cần giải pháp chỉ cấp quyền đọc thông tin tích hợp trong căn cước công dân phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể.
Các thông tin được đề xuất tích hợp bổ sung vào thẻ căn cước công dân đều là thông tin cá nhân, bí mật đời tư như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng, lý lịch tư pháp… gắn với quyền con người.
Vì vậy đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, thống nhất với các bộ, cơ quan quản lý để đưa ra giải pháp phù hợp, có tính khả thi. Cạnh đó đề nghị bổ sung đánh giá về chi phí xã hội và ngân sách nhà nước dành cho việc này.
Theo ông Tùng, một số ý kiến cho rằng theo quy định hiện hành thì "căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân".
Nên việc tích hợp các thông tin không phải về lai lịch, nhân dạng theo báo cáo như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, khai sinh, chứng nhận kết hôn... vào căn cước công dân là không phù hợp với nội hàm "căn cước công dân".
Thay thế Giấy CMND còn thời hạn để chuyển sang hoàn toàn sử dụng CCCD
Về đề nghị thay thế Giấy chứng minh nhân dân (CMND) vẫn còn thời hạn để chuyển sang hoàn toàn sử dụng bằng thẻ Căn cước công dân (CCCD), ông Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành đề xuất này của Chính phủ.
Tuy nhiên theo ông Tùng, từ kinh nghiệm bỏ Sổ hộ khẩu giấy, đề nghị đánh giá tác động kỹ về vấn đề này (làm rõ số lượng Giấy chứng minh nhân dân đang còn thời hạn sử dụng theo quy định, chi phí phát sinh, tác động đối với người dân,…). Từ đó xác định lộ trình thay thế phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tránh gây xáo trộn, bức xúc cho công dân.
Đề xuất thay thế Giấy CMND còn thời hạn để chuyển sang hoàn toàn sử dụng CCCD (Ảnh minh hoạ)
Cân nhắc cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi
Về bổ sung quy định cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, theo ông Hoàng Thanh Tùng, đa số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định này. Bởi độ tuổi dưới 14, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên thông tin nhân dạng khó chính xác. Phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự.
Thêm vào đó, hồ sơ đề nghị chưa làm rõ, đánh giá đầy đủ về nhu cầu cấp thẻ của lứa tuổi này, trong khi việc cấp thẻ dù không bắt buộc vẫn phát sinh chi phí.
Mặt khác, khi xem xét, thông qua Luật căn cước công dân năm 2014, vấn đề này đã được thảo luận nhưng Quốc hội quyết định chỉ cấp căn cước công dân cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Một số ý kiến cho rằng việc cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi như đề xuất là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhân dạng của trẻ em để ghi nhận, xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để bảo đảm tính khả thi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!