Nhà máy Bia Hà Nội tại 183 Hoàng Hoa Thám có diện tích hơn 52.000 m2, vẫn đang hoạt động sản xuất. Theo quy hoạch, khu này sẽ trở thành đất hỗn hợp, công cộng, trường THPT, cây xanh, nhà ở, bãi đỗ xe.
Được thành lập từ năm 1890, Nhà máy Bia Hà Nội còn ra đời trước cả cầu Long Biên và Nhà hát lớn. Vì vậy, hơn 130 năm qua, đây là nơi đã đã liền với sự phát triển của Thủ đô. Vậy, sau khi di dời, mảnh đất vàng này cần được sử dụng sao cho hiệu quả.
Biệt thự này từng là nơi ở của gia đình ông chủ nhà máy bia Alfred Hommel. Ngôi biệt thự vẫn được bảo tồn hơn 130 năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi di dời, dấu tích của nhà máy này cần được giữ lại như là một bảo tàng.
Cùng nằm trong diện phải di dời, Công ty Thuốc lá Thăng Long có diện tích tới hơn 64.000 m2. Theo quy hoạch, khu vực này sẽ là đất công cộng của thành phố và phần hỗn hợp dịch vụ thương mại, nhà ở, nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh. Với 9 cơ sở nhà đất di dời, nội đô Hà Nội sẽ có thêm 549 nghìn mét vuông.
Việc làm gì với quỹ đất cần phải được làm rõ bởi nhiều khu đất sau khi di dời đã từng trở thành các chung cư lớn, gây quá tải cho nội đô.
9 cơ sở này sẽ phải di dời trong 5 năm tới. Người dân mong rằng, các nhà máy cũ sau khi di dời cần chuyển đổi thành những công trình thiết yếu như trường học, công viên, không gian công cộng… và vẫn giữ lại những di sản quý như cam kết của Hà Nội. Có như vậy, việc di dời mới thực sự có ý nghĩa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!