Tuần qua, Hà Nội vẫn ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc sốt xuất huyết, dù đã giảm khoảng hơn 10% so với những tuần trước đó. Nếu như tháng trước số ca mắc tập trung tại khu vực ngoại thành thì nay lại chuyển dịch vào nội thành. Số ca nặng và có dấu hiệu cảnh báo tăng, đặc biệt là có những trường hợp mắc hai lần trong 1 vụ dịch.
Bệnh nhân nam 26 tuổi được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, nôn nhiều và rối loạn ý thức. Với những biểu hiện, triệu chứng của bệnh nhân và nơi sinh sống, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có biến chứng lên não. Gia đình cho biết, trước khi vào viện bệnh nhân chỉ sốt cao 1 ngày và hoàn toàn khỏe mạnh.
Một trường hợp khác, bệnh nhân vừa được xuất viện 1 tuần do sốt xuất huyết đồng nhiễm cúm B, sau đó bệnh nhân lại tiếp tục có các triệu chứng của sốt xuất huyết như sốt cao, ban dưới da, mệt mỏi… Sau khi được làm các xét nghiệm, các bác sĩ khẳng định chị bị mắc sốt xuất huyết lần thứ hai.
Hiện số ca mắc sốt xuất tại khu vực Hà Nội có giảm so với đỉnh dịch nhưng vẫn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, mỗi ngày có khoảng hơn 10 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo như: chảy máu, được chỉ định nhập viện, chủ yếu là những người trẻ và có bệnh nền. Hà Nội đã ghi nhận hơn 19.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, với 22 trường hợp tử vong, chủ yếu là người trong độ tuổi lao động.
Lực lượng chức năng tiến hành phun hoá chất phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ cao bùng phát dịch, các ổ dịch nhỏ, vừa... Ảnh: TTXVN
Tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã cao gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại khu vực Tây Nguyên, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Như tại Đắk Lắk ghi nhận hơn 9.600 trường hợp, 10 ca tử vong. Tỉnh Đắk Nông có hơn 3.000 trường hợp. Tại Gia Lai cũng tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo chu kỳ 3 năm lập đỉnh dịch một lần thì năm nay là đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Tây Nguyên.
Tại Đà Nẵng, số bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết tăng khiến bệnh viện quá tải. Đáng chú ý, nhiều ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo và trở nặng. Tuần đầu tháng 12, ghi nhận mức kỷ lục với gần 700 ca. Ngành y tế TP tập trung phun hóa chất xử lý các ổ dịch bằng phương pháp phun mù nóng để bao phủ trên diện rộng.
Tại TP Hồ Chí Minh, số ca sốt xuất huyết vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm. Đã có 29 ca tử vong trong năm nay. Trong đó, 75% là người lớn. Có những trường hợp nguy cơ tử vong cao do đến bệnh viện muộn, không được điều trị kịp thời.
Đối với sốt xuất huyết cần theo dõi tiểu cầu. Nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế. Đặc biệt, khi hạ sốt, phải theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!