Tiếng những bước chân vội vã đạp tung nước mưa, hòa trong tiếng động viên của 2 hàng người bên đường là thứ âm thanh ám ảnh nhất tuần qua. Chỉ khác với những cuộc đua trong thể thao, khi người ta cố hết sức để giành lấy chiến thắng, trong cuộc đua này với tử thần, không bị thua đã là một chiến thắng quá lớn.
Đây không phải lần đầu tiên có một chung cư bị cháy, không phải lần đầu tiên có một vụ hỏa hoạn đau lòng xảy ra. Sau mỗi sự việc đau lòng như vậy, người ta lại đặt ra hàng loạt câu hỏi về cách nhanh nhất cứu trợ các nạn nhân, về trách nhiệm của các bên liên quan, về các đợt tổng kiểm tra, về kỹ năng phòng cháy chữa cháy (PCCC) của những người trong cuộc… Đó cũng chính xác là những gì đã diễn ra trong dòng tin tức tuần qua, nhưng sau tất cả, liệu chúng ta có thể làm điều gì vì sinh mạng của mình và những người xung quanh? Liệu nơi chúng ta vẫn gọi là tổ ấm có đang là một "cái bẫy"?
Vụ cháy chung cư mini xảy ra vào thời điểm giấc ngủ vừa tới với nhiều gia đình. Nhìn những hình ảnh tan hoang, méo mó của tòa nhà và tưởng tượng rằng những nạn nhân đã yêu thương nhau trong những căn hộ ấy rồi trải qua khoảnh khắc sinh tử trong làn khói đen thực sự là điều ám ảnh và đau lòng.
Cũng như những vụ hỏa hoạn thương tâm đã từng xảy ra, một phần lớn nguyên nhân là do lỗ hổng trầm trọng trong hệ thống PCCC. Thế nhưng nguồn cơn của vụ việc có lẽ phải nói đến giấy phép xây dựng tòa nhà. Tòa chung cư mini được cấp phép xây nhà ở riêng lẻ 6 tầng nhưng kết quả lại là nhà bán và cho thuê với 1 tầng hầm, 8 tầng nổi và 1 tum. Điều đáng nói và đáng sợ hơn nữa là thực tế xây dựng kiểu này không hiếm.
Chẳng ai có thể cáng đáng nổi trách nhiệm cho những gì đã diễn ra, nhưng chúng ta vẫn phải hỏi một câu rằng: Cuối cùng trách nhiệm thuộc về ai? Trong mỗi tòa chung cư là sự phối hợp của 4 bên: cơ quan quản lý - chủ đầu tư - ban quản lý tòa nhà - cư dân.
Khi những tòa nhà lách luật còn được xây và tồn tại, khi nhu cầu nhà ở của người dân còn bức thiết thì mô hình những tòa nhà được gọi là "chung cư mini" còn có lý do để tồn tại. Tất nhiên, đi kèm với đó chính là chuyện "sinh mạng trong những cái bẫy". Những "cái bẫy" này không khó phát hiện, vấn đề là người ta chọn sống chung cùng nó hoặc chẳng còn cách nào ngoài cách sống chung với nó.
Tại tòa chung cư mới được kiểm tra hệ thống an toàn PCCC, khi đốt lửa ngay tại vòi phun nước chống cháy tự động thì chỉ có vài giọt nước rỉ ra; hun khói trực tiếp vào hệ thống báo khói cũng chẳng có gì xảy ra; ấn thẳng vào chuông báo cháy, hệ thống vẫn im thin thít. Theo người dân ở đây, hệ thống này đã hỏng 7 - 8 năm. Dù người dân đã đề nghị sửa nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đáp ứng.
Một tòa chung cư mini khác xây vượt quá 2 tầng so với giấy phép xây dựng được phê duyệt và tất nhiên toàn bộ hệ thống PCCC cũng đều chưa đảm bảo yêu cầu. Thang bộ trong nhà là thang hở, không đảm bảo ngăn cháy. Trong khi trang bị hộp chữa cháy thì "có cũng như không".
Nỗi lo lắng của người dân hoàn toàn có cơ sở bởi chính sự mơ hồ của những người quản lý, bảo vệ chung cư.
Hiện, riêng Hà Nội có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Phần nhiều trong số đó không đủ điều kiện PCCC, thậm chí không đủ điều kiện để sửa chữa hệ thống PCCC. Ví dụ việc không đủ không gian để làm lối thoát hiểm đúng nghĩa. Sau vụ cháy, điều mà nhiều khu dân cư cao tầng đã làm ngay là những thông báo tập trung vào các vấn đề như rút/tắt các thiết bị điện khi không dùng đến, không hút thuốc trong nhà, thận trọng khi sạc pin điện thoại, sạc xe điện. Có chung cư còn quyết liệt yêu cầu người dân phải chuyển sang dùng xe máy hoặc xe đạp, không được dùng xe điện trong tòa nhà. Những thông báo này vẫn chủ yếu hướng tới người sử dụng nhưng khi hạ tầng còn chưa có cách để đảm bảo thì trách nhiệm của mỗi bàn tay cắm sạc cũng là phương án tốt nhất.
(Ảnh minh họa: Báo Người lao động)
Một "cái bẫy" khác cũng liên quan đến vụ cháy kinh hoàng này đó là trục lợi từ sự trợ giúp của cộng đồng. Sau vụ cháy, không chỉ tại hiện trường vụ việc, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều lời đề nghị hỗ trợ các nạn nhân, dễ thấy nhất là việc sẵn sàng cho mượn phòng ở. Nhưng với những tài khoản đề nghị hỗ trợ lại gắn liền số tài khoản cá nhân nhận tiền ủng hộ, chưa nói về việc họ có trục lợi hay không, việc làm này là không đúng quy định của pháp luật bởi theo khoản 4, điều 10 Thông tư 41 của Bộ Tài chính, cá nhân người vận động từ thiện không được nhận tiền tài trợ cho mục đích xã hội từ thiện vào chung tài khoản chi tiêu cá nhân của người vận động. Trong những ngày qua, một trang fanpage lớn tại Hà Nội cũng mắc phải lỗi này.
Chỉ 2 ngày sau vụ hỏa hoạn, trang fanpage hơn 1 triệu lượt theo dõi đã kêu gọi quyên góp được hơn 4 tỉ đồng. Đáng chú ý, tài khoản ngân hàng nhận ủng hộ lại là của một cá nhân. Điều này đã khiến nhiều người lo ngại về tính minh bạch của việc ủng hộ. Nhận về hàng nghìn ý kiến trái chiều, trang fanpage đã "trấn an dư luận" khi thông báo: "Trong sáng 15/9, chúng tôi sẽ đến ngân hàng sao kê và công khai tất cả giao dịch ủng hộ. Chúng tôi sẽ trực tiếp chuyển toàn bộ số tiền này tới UBMTTQ phường Khương Đình".
Việc người theo dõi đặt nghi vấn minh bạch cho trang fanpage này là hoàn toàn hợp lý bởi tại sao họ lại chọn một cách làm khó khăn, vòng vèo nhiều công đoạn như vậy trong khi tất cả chỉ cần gói gọn trong một lời kêu gọi đính kèm các số tài khoản nhận hỗ trợ theo thông báo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội.
Để những "cái bẫy" không tồn tại, tất nhiên, đúng luật là điều đầu tiên nên làm. Còn khi đã sống chung với "bẫy" thì tránh nó là điều quan trọng. Cuối cùng, chẳng may "bẫy" đã sập thì thoát ra khỏi nó lại là kỹ năng cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!