Các chương trình, dự án giảm nghèo, tạo sinh kế ổn định cho người nghèo ở vùng sâu biên giới thông qua những mô hình thiết thực, cụ thể, gắn liền với hoàn cảnh của từng thôn, xã để giảm nghèo bền vững, hiệu quả trên vùng đất lịch sử này.
Nhiều năm, người dân xã biên giới Nà Bủng (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) chỉ trồng được lúa một vụ vì đất dốc và 6 tháng khô hạn. Những hộ nghèo ở đây như gia đình bà Giàng Thị Dung (bản Ngải Thầu) được hỗ trợ trồng cây quế và được vay ít nhất 50 triệu đồng để nuôi 2 con trâu. "Nếu không có nhà nước thì chẳng có trâu nuôi, tôi cũng đăng ký với xã trồng thêm cây quế để thoát nghèo", bà Dung cho biết.
7 huyện khó khăn của Điện Biên đều xây dựng các phương án giảm nghèo ngắn hạn và dài hạn cho từng thôn, xã gắn với trách nhiệm của Đảng ủy, chính quyền địa phương. Ngắn hạn là phát triển đàn đại gia súc trên toàn tỉnh và Điện Biên hiện có đàn 500.000 con trâu, bò, ngựa. Dài hạn là chuyển đổi đa cây đa con, phát triển cây công nghiệp, cây thoát nghèo với hơn 4.700 tỷ đồng vốn chính sách ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo.
70 năm ở Điện Biên và 65 năm gắn bó với huyện biên giới Nậm Pồ, cựu chiến binh Vì Văn Sam cảm nhận rõ sự quan tâm đầu tư và biến đổi ở vùng khó khăn này đó là sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để ngày càng có nhiều hộ thoát nghèo và người dân ngày càng no ấm.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay các huyện nghèo của Điện Biên đều được hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng, y tế, xã hội gắn liền với liên kết vùng, phục vụ dân sinh. Đây cũng là động lực để tỉnh Điện Biên đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo từ 4% trở lên mỗi năm và đến năm 2025, Điện Biên sẽ có 2 huyện thoát nghèo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!