Theo cơ quan chức năng, việc điều chỉnh tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì là rất cần thiết. Bởi hiện lượng phương tiện lưu thông qua cầu rất lớn, khoảng 122 nghìn xe/ngày đêm (gấp tám lần lưu lượng thiết kế), tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông và chỉ cần một va chạm nhỏ hay xe bị chết máy hỏng hóc trên cầu là dẫn đến ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người lái xe chưa cao cũng gây ra tình trạng mất an toàn giao thông trên cầu.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), chỉ tính từ đầu năm 2015 đến tháng 10/2020, trên cầu Thanh Trì đã xảy ra 69 vụ tai nạn giao thông, làm chết 21 người, bị thương 35 người.
Cầu Thanh Trì thường xuyên ùn tắc, quá tải. Ảnh: Báo Nhân Dân điện tử.
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông thay thế biển báo hạn chế tốc độ và lắp đặt biển báo hướng dẫn giao thông cho các phương tiện giảm tốc độ từ 80km/giờ xuống 60km/giờ tại các điểm cách hai đầu cầu Thanh Trì 500m, bảo đảm khoảng cách an toàn.
Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia và người tham gia giao thông, việc giảm tốc độ lưu thông tối đã cũng chỉ gọi là giải pháp tạm thời, vì thực tế, để lái được tốc độ 80km/giờ trên cầu Thanh Trì cũng là điều khó khăn, khi mật độ phương tiện lưu thông trên đường vành đai 3 khoảng 5.000 lượt xe/h, cao gấp 2,5 lần so với lưu lượng tiêu chuẩn. Xung đột ở các điểm lên cầu như nút giao Trung Hòa, Nguyễn Trãi... nhiều xe tải trọng lớn, xe khách đi vào giờ cao điểm rồi xuống các nút giao không tuân thủ làn đường, đón, trả khách cũng là nguyên nhân khiến đường vành đai 3 ùn tắc và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!