10 trong số các bệnh nhân đang điều trị tại thành phố Đà Nẵng sẽ được nhận huyết tương chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 để điều trị bệnh. Phương pháp này lần đầu tiên được Việt Nam đưa vào sử dụng sau khi Bộ Y tế đã phê duyệt công trình nghiên cứu.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 bằng truyền huyết tương chứa kháng thể của người đã khỏi bệnh là công trình nghiên cứu của 5 bệnh viện gồm: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội); Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec là nơi tiếp nhận huyết tương từ người hiến; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ đánh giá chất lượng kháng thể trong huyết tương người hiến; Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là đơn vị tham gia điều trị (truyền kháng thể cho bệnh nhân COVID-19); Bệnh viện Đà Nẵng là nơi đang có các bệnh nhân nặng được thực hiện phương pháp này.
Phương pháp này giúp cung cấp ngay kháng thể cho người bệnh để tiêu diệt virus. (Ảnh: Dân trí)
Nguyên lý của phương pháp này là huyết tương của những người đã điều trị khỏi COVID-19 chứa một lượng lớn kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2. Người bệnh sẽ tiếp nhận kháng thể thụ động từ huyết tương của người đã hồi phục. Phương pháp điều trị này giúp cung cấp ngay kháng thể cho người bệnh để tiêu diệt virus.
Hiện đã có 5 người đăng ký tình nguyện hiến huyết tương, trong đó có một bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từng mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh. Dự kiến, trong ngày 7 - 8/8, hai bệnh nhân COVID-19 thể nặng tại Bệnh viện Đà Nẵng được truyền huyết tương điều trị. Toàn bộ quá trình triển khai, nghiên cứu được giám sát chặt chẽ bởi Hội đồng Đạo đức y sinh của Bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!