Điều trị COVID-19 cho trẻ em thế nào cho đúng?

Minh Đức-Thứ tư, ngày 23/02/2022 19:44 GMT+7

VTV.vn - Phụ huynh cần tránh việc lạm dụng các loại thực phẩm chức năng, xông hơi liên tục hay sử dụng thuốc kháng sinh, chữa viêm tùy tiện cho trẻ khi điều trị COVID-19 tại nhà.

Số ca COVID-19 vẫn đang tăng lên nhanh chóng, nhiều ca trong số đó là trẻ nhỏ. Nhiều gia đình vì quá lo lắng và nóng ruột nên đã lên mạng để tìm các bài thuốc, xông mũi, họng, thực phẩm chức năng... để điều trị cho con. Đây là hiện tượng khá phổ biến, nhưng việc lạm dụng những phương thức chữa bệnh trên để điều trị COVID-19 cho trẻ sẽ gây nhiều nguy cơ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, do trẻ đi học trở lại nên số trẻ bị mắc COVID-19 tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ người mắc COVID-19 thể nhẹ là nhiều. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo nếu trẻ mắc bệnh thể nhẹ thì cho trẻ theo dõi, điều trị tại nhà. Chỉ khi trẻ có các biểu hiện sốt cao liên tục không giảm, khó thở, cần đưa ngay đến cơ sở y tế.

Nhiều người nghĩ rằng việc bổ sung nhiều thực phẩm chức năng, xông mũi họng liên tục sẽ giúp trẻ khỏe hơn thì đây là suy nghĩ sai lầm. Chuyên gia cho biết, nếu dùng nhiều loại thuốc một lúc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ thì có thể gây tác dụng phụ, biến chứng khó kiểm soát. Việc xông mũi họng quá nhiều lần trong ngày khiến phổi hít phải toàn hơi nước sẽ làm tăng nguy cơ thiếu hụt oxy do phổi không trao đổi được, đồng thời, tăng sự khó chịu cho trẻ.

Đáng nói, nhiều phụ huynh tùy tiện cho trẻ mắc COVID-19 sử dụng sớm các loại thuốc kháng sinh, hoặc các loại thuốc chữa COVID-19 được mua trên mạng không rõ nguồn gốc. Điều này đem lại nhiều tai hại cho sức khỏe của trẻ. Một số loại thuốc chống viêm nếu dùng không đúng có thể gây những hậu quả lâu dài cho trẻ như loãng xương, yếu cơ, ảnh hưởng tim mạch...

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thông thường, trẻ mắc COVID-19 (chỉ sốt đơn thuần không có triệu chứng) trong ba ngày đầu thì không đáng lo ngại, sau đó sẽ giảm dần. Trẻ sốt chính là lúc cơ thể huy động toàn bộ hệ thống miễn dịch bẩm sinh để loại virus ra khỏi cơ thể. Nếu trẻ sốt chưa đến 38,5 độ C, không chán ăn, bứt rứt thì không dùng thuốc hạ sốt, có thể chườm bằng khăn mềm, bổ sung nước và dinh dưỡng. Vệ sinh mũi nếu trẻ chảy nhiều nước mũi hoặc nước mũi đặc quánh.

Phụ huynh cần bù nước đầy đủ cho trẻ. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước như cam, dừa, dưa hấu... càng nhiều càng tốt. Khi cơ thể được cung cấp đủ nước, thông thường cứ cách hai giờ trẻ đi tiểu một lần. Khi trẻ sốt, phụ huynh bỏ bớt quần áo, tã lót, đặt trẻ ở phòng thoáng khí và mát mẻ. Đừng nên tự ý sử dụng hai loại thuốc ho cùng lúc hoặc các loại thuốc ho có thành phần chống dị ứng, giảm ho. Đừng nên lạm dụng các vitamin kể cả vitamin C hay multivitamin.

Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; tím tái môi, đầu ngón tay, chân, SpO2 < 95% thì cần phải báo với phường hoặc liên hệ 115 để đưa trẻ nhập viện.


Hà Nội ghi nhận thêm 7.419 ca mắc COVID-19 Hà Nội ghi nhận thêm 7.419 ca mắc COVID-19

VTV.vn - Sở Y tế Hà Nội cho biết: 24h qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 7.419 ca COVID-19 mới, trong đó có 2.492 ca cộng đồng, 4.927 ca đã cách ly.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước