Trải qua các đợt dịch COVID-19, đến nay, Bộ Y tế và các địa phương đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm để định hướng, thay đổi các biện pháp chống dịch cho phù hợp với tình hình mới. Một trong những bước chuyển mang tính linh hoạt cao đó là việc cho F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng điều trị tại nhà. So với các đợt dịch trước, trong đợt dịch lần thứ 4 này, giải pháp điều trị F0 tại nhà đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương.
Nhiều địa phương triển khai điều trị F0 tại nhà
Những bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng đang được cho phép điều trị tại nhà. Việc điều trị F0 tại nhà giúp tiết kiệm chi phí cho Nhà nước; đồng thời giúp cơ sở y tế không bị quá tải, tập trung điều trị cho các F0 nặng đang cần máy móc thiết bị hỗ trợ. Bên cạnh đó, điều trị tại nhà sẽ giúp bệnh nhân không phải chịu áp lực quá tải, tinh thần thoải mái và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Để áp dụng giải pháp cho F0 điều trị tại nhà, Bộ Y tế đã kịp thời xây dựng, ban hành các hướng dẫn, quy định cụ thể, phù hợp điều kiện của từng tỉnh, thành, từng địa bàn và từng cấp độ dịch. Chiến lược mới cũng được các địa phương hưởng ứng.
Tại Hà Nội, từ tháng 11, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, thành phố đã rà soát được khoảng hơn 2 triệu hộ gia đình, trong đó có trên 700.000 hộ đủ điều kiện cách ly các F1 và điều trị F0 tại nhà. Việc điều trị F0 tại nhà cũng được cấp cơ sở vận dụng linh hoạt.
Còn tại Hải Phòng, điểm nóng mới của dịch COVID-19 mới đây, từ kinh nghiệm của một số địa phương khác, việc thiết lập hơn 200 trạm y tế để hỗ trợ điều trị F0 tại nhà được triển khai khá nhanh so với tốc độ gia tăng của dịch.
Số ca mắc mới COVID-19 trên cả nước hiện đang tăng trở lại, đạt ngưỡng 14.000 - 15.000 ca mỗi ngày, tương đương giai đoạn nóng nhất của dịch bệnh hồi tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, điểm khác biệt của lần bùng phát này là hệ thống y tế cơ sở tại nhiều địa phương đã được củng cố vững chắc hơn, cùng với đó là chiến lược điều trị F0 tại nhà đã được nhân rộng để chủ động ứng phó với diễn biến của dịch trong tình hình mới.
Hiệu quả từ việc điều trị F0 tại nhà
Đã có những mô hình điều trị F0 tại nhà thành công trong thời gian gần đây như tại Phú Thọ. Tỉnh Phú Thọ là một trong những địa phương đầu tiên tại phía Bắc thực hiện thí điểm điều trị F0 tại nhà. Dù mới triển khai nhưng với các giải pháp quản lý chặt và đồng bộ, tỉ lệ tăng các ca mắc liên quan khi để các F0 điều trị tại nhà là không cao và đặc biệt, giảm tải cho công tác chống dịch rất nhiều.
Với hơn 200 F0 điều trị tại nhà, tỉnh Phú Thọ giảm được việc thành lập một bệnh viện dã chiến quy mô nhỏ. Cùng với đó, toàn tỉnh có khoảng 14.500 F1 cách ly tại nhà trong thời gian qua, nhưng chỉ có 5% chuyển thành F0 và tỉ lệ lây cho người xung quanh rất thấp. Bên cạnh việc giảm tải, điều trị F0 tại nhà cũng giúp tiết kiệm hàng chục tỉ đồng so với điều trị tập trung. Đồng thời, phát huy được vai trò của các lực lượng chống dịch tại cơ sở.
Từ hiệu quả ban đầu của việc cách ly, điều trị tại nhà, tới đây, tỉnh Phú Thọ dự kiến giảm một số bệnh viện dã chiến cũng như cơ sở cách ly tập trung trên toàn tỉnh để thích ứng với diễn biến mới của dịch trong tình hình mới.
Bên cạnh những địa phương điều trị F0 tại nhà hiệu quả, qua kiểm tra thực tế của Bộ Y tế, vẫn có những địa phương giám sát F0 tại nhà chưa chặt chẽ, chưa phân loại được F0 theo quy định. Lúc này, việc điều trị F0 tại nhà rất có thể sẽ phản tác dụng, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Một thực trạng cần lưu tâm nữa từ phía các F0 đó là khi mắc COVID-19, nhiều người thường lo lắng và sốt ruột, vội vã tìm cách mua các loại thuốc kháng virus. Tuy nhiên, với các F0 khi được nhân viên y tế chấp thuận cho điều trị tại nhà, đồng nghĩa với việc họ là bệnh nhân thuộc phân tầng 1, thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
F0 điều trị tại nhà sử dụng thuốc thế nào?
1. Thuốc hạ sốt, giảm đau: Đối với thuốc hạ sốt, giảm đau, chúng ta thường dùng nhất là nhóm thuốc có chứa Paracetamol
- Đối với người lớn dùng 500mg/lần, có thể lập lại sau 4-6 tiếng, không dùng quá 4g/ngày
- Đối với trẻ em liều 10 - 15mg/kg cân nặng, không quá 75gm/kg trong 24 giờ
2. Nhóm thuốc cân bằng điện giải để bù nước khi sốt cao, mất nước nhiều:
- Dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
- Nước canh, nước dừa, nước gạo rang…
3. Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng: Vitamin tổng hợp có một trong các thành phần sau: vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D
4. Thuốc sát khuẩn hầu họng
- Súc miệng hầu họng bằng Natri clorit (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối)
- Thuốc sát khuẩn hầu họng khác
Lưu ý: Ngoài 4 nhóm thuốc trên, F0 điều trị tại nhà không tự ý sử dụng nhóm thuốc kháng virus. Thuốc kháng virus nếu cần thiết phải được sử dụng dưới sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ và phải được kê đơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!