Điều trị loãng xương từ thuốc đến phẫu thuật, tránh biến chứng nặng

Trịnh Mai-Thứ bảy, ngày 13/05/2023 22:07 GMT+7

VTV.vn - Nhiều phương tiện, kỹ thuật hiện đại được ứng dụng trong phát hiện, điều trị bệnh loãng xương, góp phần ổn định sức khỏe và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, lối sống ít vận động khiến tỷ lệ người bị loãng xương và gặp biến chứng ngày càng gia tăng, có xu hướng trẻ hóa. Tại Việt Nam, nhiều trường hợp người bệnh xuất hiện loãng xương khi mới 30 tuổi. Cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì 1 người bị loãng xương, ở nam giới tỷ lệ này là 1:5. Theo thống kê của Hội Loãng xương TP. Hồ Chí Minh, cả nước có khoảng 3,6 triệu người đang bị loãng xương. Dự báo năm 2030 sẽ có khoảng 4,5 triệu người mắc bệnh, trong đó nữ giới chiếm 70 - 80%.

Chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Loãng xương: Từ nội khoa đến ngoại khoa" do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tối ngày 9/5/2023, TTƯT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, ở người bình thường, từ khi sinh đến 25 tuổi, mật độ xương tích lũy dần và giữ nguyên đến năm 40 tuổi, sau đó giảm dần theo thời gian. Loãng xương xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương, khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và bị gãy.

Nguy cơ loãng xương ở phụ nữ cao hơn so với nam giới cùng độ tuổi do tổng khối lượng xương của nữ giới thấp hơn. Sự suy giảm hormone estrogen ảnh hưởng lớn đến quá trình tái tạo mô xương sau tuổi mãn kinh. Loãng xương còn dễ xảy ra ở người ít vận động hoặc có chế độ dinh dưỡng không hợp lý; đang sử dụng thuốc điều trị như trầm cảm, gan mật, lupus, viêm khớp dạng thấp, gout, viêm khớp phản ứng; tiền sử gia đình có người bị bệnh xương khớp; lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Người mắc bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, phổi… thường có quỹ xương kém, tốc độ mất xương nhanh, nguy cơ loãng xương tăng lên.

Bệnh loãng xương diễn tiến âm thầm. Ở giai đoạn đầu, loãng xương không bộc lộ triệu chứng. Khi loãng xương ở giai đoạn nặng, người bệnh thường bị đau lưng, nhức mỏi người nhiều về đêm, giảm chiều cao quá nhanh (trên 10cm) so với lúc trẻ, biến dạng thân đốt sống như còng lưng, gãy xương sau một chấn thương nhẹ… Bệnh gây cản trở sinh hoạt, giảm hiệu suất công việc, gây ra nhiều hậu quả như lún xẹp đốt sống, biến dạng gù vẹo cột sống, rạn nứt xương, gãy xương,... thậm chí tàn phế. Người bị gãy xương phải nằm bất động khi điều trị không chỉ gây tốn kém, ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn tăng nguy cơ biến chứng loét tì đè và các bệnh lý tim mạch, hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu… tăng nguy cơ tử vong.

Theo TTƯT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa, hầu hết trường hợp người bệnh chỉ đi khám khi xuất hiện triệu chứng hoặc đã xảy ra biến chứng gãy xương. Trong khi, 20% trường hợp gãy cổ xương đùi có nguy cơ tử vong trong 6 tháng đầu, 50% mất khả năng đi lại, 25% cần sự trợ giúp của y tá chăm sóc tại nhà.

Điều trị loãng xương từ thuốc đến phẫu thuật, tránh biến chứng nặng - Ảnh 1.

Theo TTƯT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa, nguy cơ loãng xương ở phụ nữ tăng cao hơn so với nam giới cùng độ tuổi.

Tại buổi tư vấn, PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Loãng xương Hà Nội, Bác sĩ khoa Cơ xương khớp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho hay, có thể chẩn đoán loãng xương qua khai thác yếu tố nguy cơ, triệu chứng lâm sàng, bệnh sử của người bệnh, kết hợp xét nghiệm máu và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-Quang, cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ. Trong đó, đo mật độ xương được xem là "tiêu chuẩn vàng" để tầm soát quỹ xương, đánh giá tình trạng loãng xương.

Tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, máy đo loãng xương Horizon và Máy đo mật độ khoáng xương Prodigi (GE/Mexico) dùng nguồn tia X năng lượng kép DEXA với tần số và độ phân giải cao được sử dụng thường quy trong chẩn đoán loãng xương. Các thiết bị hiện đại giúp xác định hàm lượng canxi và các khoáng chất có trong xương để đánh giá nguy cơ gãy xương, vôi hóa… chỉ trong thời gian ngắn.

PGS Hồng Hoa nhấn mạnh, điều trị loãng xương cần kiên trì, liên tục từ 5 năm đến 10 năm. Bệnh được kiểm soát hiệu quả khi duy trì sử dụng thuốc tăng tạo xương, giảm hủy xương, vitamin D và canxi; kết hợp thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập thể dục thể thao hợp lý. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Người bệnh cần được theo dõi định kỳ nồng độ canxi, vitamin D trong máu và sự chuyển hóa của chúng trong cơ thể; chức năng gan, thận; mật độ xương; yếu tố nội tiết (hormone tuyến giáp, tuyến cận giáp), từ đó bác sĩ đánh giá khả năng đáp ứng và thải trừ thuốc, sự tương tác/tương kỵ với thuốc điều trị các bệnh lý khác để đưa ra các điều chỉnh phù hợp dựa trên từng cá thể. Việc tự ý sử dụng thuốc, tái sử dụng đơn thuốc cũ trong thời gian dài,... có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm như ngộ độc hoặc hàm lượng thuốc tồn dư có thể khiến xương cứng và dễ gãy hơn.

Điều trị loãng xương từ thuốc đến phẫu thuật, tránh biến chứng nặng - Ảnh 2.

PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Thủy cho biết, đo mật độ xương được xem là "tiêu chuẩn vàng" để đánh giá tình trạng loãng xương.

Tại livestream, BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Thần kinh Cột sống, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, người bệnh loãng xương cần can thiệp phẫu thuật nếu tình trạng loãng xương gây ra biến chứng, mật độ xương dưới 2.5, không đáp ứng điều trị nội khoa.

Nếu như trước đây, phẫu thuật là biện pháp duy nhất điều trị biến chứng xẹp lún đốt sống do loãng xương thì hiện nay, kỹ thuật bơm xi măng sinh học mang lại hiệu quả cao trong điều trị. Kỹ thuật tiên tiến này giúp tạo hình và tăng độ bền vững cho cột sống, khôi phục đường cong sinh lý, mang lại hiệu quả giảm đau nhanh và rõ rệt. Dưới hướng dẫn của Robot chụp mạch C-arm với độ phân giải cực đại, bác sĩ chọn được đường đi ngắn và chính xác nhất tới khoang đốt sống bị xẹp, sau đó bơm hỗn hợp xi măng sinh học với hàm lượng vừa đủ. Xi măng nở ra sẽ lấp đầy các khe hở, làm đốt sống bị xẹp trở nên vững chắc hơn. Kỹ thuật này không cần gây mê mà chỉ gây tê tại chỗ, không đau, không làm tổn thương mô mềm và ít mất máu do chỉ để lại một vết kim nhỏ khoảng 1.5 - 2cm trên da.

Điều trị loãng xương từ thuốc đến phẫu thuật, tránh biến chứng nặng - Ảnh 3.

BS.CKI Trần Xuân Anh giới thiệu phương pháp can thiệp bơm cement sinh học điều trị các biến chứng do loãng xương.

Theo các chuyên gia, để làm chậm và phòng ngừa quá trình loãng xương, mọi người nên thực hiện các xét nghiệm thăm khám, tầm soát định kỳ theo chỉ định của bác sĩ nhằm xác định nguyên nhân thứ phát gây loãng xương, loại trừ nguyên nhân loãng xương do bệnh ác tính hoặc phát hiện bệnh sớm, từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp, tránh biến chứng nặng. Đặc biệt là nhóm người có nhiều yếu tố nguy cơ như phụ nữ sau tuổi mãn kinh, nam giới sau 65 tuổi, người nghiện bia rượu và thuốc lá, mắc bệnh lý nền, lao động nặng, sử dụng thuốc corticosteroid hoặc heparin trong thời gian dài…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước