Ê-kíp can thiệp phì đại tiền liệt tuyến thành công cho cụ ông 84 tuổi. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Tích hợp trí tuệ nhân tạo để can thiệp hoàn hảo
Hơn 4 tháng trước, ông P.V.V. (84 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) được bệnh viện gần nhà chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt lành tính gây bí tiểu, tiểu khó, tiểu đêm nhiều lần. Ông đang điều trị bằng thuốc để cải thiện các triệu chứng rối loạn tiểu. Giữa tháng 11, ông đột ngột tiểu ra máu đỏ tươi, lượng nhiều nên đến BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Qua thăm khám, tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết Niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, cho biết tinh thần ông V. lúc này uể oải, sa sút do các triệu chứng tiểu khó, tiểu đêm kéo dài và lo lắng nhiều khi tiểu ra máu.
Sau khi siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CT 768 lát cắt) bụng, loại trừ các nguyên nhân tiểu máu từ thận, niệu quản và bàng quang, các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân tiểu máu do phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Thể tích tuyến tiền liệt của người bệnh là 117 ml, gấp 4,5 lần kích thước tiền liệt tuyến của người bình thường (khoảng 25 ml). Các mạch máu tăng sinh để nuôi tuyến tiền liệt bị vỡ, và người bệnh tiểu khó, phải rặn làm trầy xước niêm mạc bàng quang dẫn đến tiểu máu.
Ông V. có chỉ định can thiệp cầm máu, loại bỏ vùng tăng sinh. Tuy nhiên, vùng tăng sinh quá lớn và sức khỏe người bệnh yếu, kèm bệnh nền nặng là tăng huyết áp, tiểu đường, nhiều nguy cơ ngay cả khi thực hiện cuộc mổ nội soi. Do đó, các bác sĩ ngoại tiết niệu và can thiệp mạch đã hội chẩn, thống nhất điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp can thiệp nội mạch nút động mạch tuyến tiền liệt hai bên siêu chọn lọc.
Hình ảnh DSA xác định động mạch tuyến tiền liệt hai bên (bên trái), trong đó đường xanh và cam tương ứng với động mạch tuyến tiền liệt phải và trái. Bên phải là hình ảnh sau khi can thiệp nút mạch ở bệnh nhân V. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Bác sĩ Dương Đình Hoàn, Đơn vị Hình ảnh học can thiệp, Trung tâm chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp cho biết "siêu chọn lọc" là việc chọn đúng các mạch máu nuôi tuyến tiền liệt giữa hàng trăm mạch máu vùng chậu lân cận. Bệnh viện đã ứng dụng phần mềm Embolization Guidance tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), để xác định và vẽ được chính xác đường đi của các mạch máu này. Từ đó, bác sĩ chọn lọc đúng mạch máu cần can thiệp, vừa rút ngắn thời gian thực hiện thủ thuật, vừa tránh được nguy cơ bỏ sót hoặc nút nhầm mạch máu nuôi các tạng lân cận. Hiện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh ứng dụng phần mềm này vào can thiệp nút mạch phì đại tuyến tiền liệt.
Khó khăn của ê kíp là mạch máu người bệnh xơ vữa nhiều, động mạch tuyến tiền liệt lại nhỏ như sợi tóc. Các bác sĩ phải rất kiên nhẫn và tỉ mỉ để có thể tiếp cận vào chính xác nhánh động mạch tuyến tiền liệt, tránh "phạm" vào những nhánh mạch máu bên cạnh. Các mạch máu này thông nối nuôi bàng quang, túi tinh và dương vật. Nếu không đủ kinh nghiệm sẽ thao tác nhầm, có thể ảnh hưởng tới chức năng bàng quang và sinh lý của người bệnh sau mổ, bác sĩ CKII Thi Văn Gừng, Phó Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch; Trưởng Đơn vị Hình ảnh học can thiệp, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm.
Sau khi gây tê tại chỗ ở vùng đùi, thông qua một vết đâm kim nhỏ, bác sĩ luồn hệ ống thông và dây dẫn siêu nhỏ vào lòng mạch máu. Dưới sự hướng dẫn của máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) ống thông sẽ di chuyển và tiếp cận mạch máu tăng sinh ở tuyến tiền liệt và bơm vật liệu làm tắc các mạch máu này. Cắt nguồn máu nuôi giúp tuyến tiền liệt "bị bỏ đói", teo nhỏ lại theo thời gian.
Quá trình thủ thuật kéo dài 90 phút, các bác sĩ đã nút thành công động mạch tuyến tiền liệt hai bên cho người bệnh. Một ngày sau can thiệp, các triệu chứng tiểu máu của ông V. đã hết và được xuất viện.
Cũng bị phì đại tuyến tiền liệt nhưng vùng tăng sinh của ông L.H. (68 tuổi, Long An) không chỉ chèn ép niệu đạo mà còn lồi nhiều vào lòng bàng quang, làm giảm thể tích bàng quang. Tình trạng này khiến ông H. mỗi đêm phải đi tiểu 5-6 lần (bình thường chỉ 1 lần), ảnh hưởng tới giấc ngủ, sức khỏe. Người bệnh được chỉ định nút mạch tuyến tiền liệt hai bên siêu chọn lọc thành công.
Khoảng 1 tháng sau thủ thuật, tần suất đi tiểu đêm của ông H. đã giảm đáng kể, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn.
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy tiền liệt tuyến phì đại (mặt cắt ngang và đứng ngang), lồi vào lòng bàng quang của bệnh nhân H. Ảnh BVĐK Tâm Anh
Giải pháp vàng thay thế phẫu thuật
Hiệp hội Tiết niệu Mỹ (AUA) thống kê phì đại (tăng sinh) lành tính tuyến tiền liệt hay u xơ tuyến tiền liệt là bệnh thường gặp ở nam giới, chiếm 60% những người 60 tuổi và khoảng 80% những người 80 tuổi. Lâu ngày tuyến tiền liệt sẽ to ra chèn ép niệu đạo (đường dẫn nước tiểu) gây ra các triệu chứng đường tiểu dưới (tiểu đêm, tiểu khó, bí tiểu, són tiểu…) ảnh hưởng đến chất lượng sống người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức thăm khám cho người bệnh trẻ tuổi bị tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính. Ảnh: Anh Thư
Theo tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức có nhiều phương thức điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Trong đó "kinh điển" và phổ biến nhất hiện nay can thiệp ngoại khoa, bằng phẫu thuật nội soi qua ngả niệu đạo, tức là đưa dụng cụ qua đường tiểu, dùng điện đơn cực hoặc điện lưỡng cực để làm giảm kích thước của tuyến tiền liệt. Gần đây, phẫu thuật viên còn sử dụng laser để bóc nhân tuyến tiền liệt, với ưu điểm ít chảy máu, ít biến chứng và thời gian hồi phục nhanh hơn.
Mặc dù vậy, nhược điểm của phẫu thuật nội soi là người bệnh có nguy cơ ngộ độc thuốc tê, thuốc mê; bị biến chứng muộn của phẫu thuật như hẹp niệu đạo, hẹp cổ bàng quang. Đặc biệt, khoảng 70% bệnh nhân sẽ bị xuất tinh ngược dòng (giao hợp đạt cực khoái nhưng không xuất tinh được ra ngoài như bình thường), 10% bị rối loạn cương, 5% tiểu không kiểm soát trong thời gian ngắn (són tiểu khi ho, hắt hơi hoặc vận động mạnh).
Hiện nay, ngoài phẫu thuật nội soi qua niệu đạo, can thiệp nút mạch được xem là "giải pháp vàng" với các trường hợp chống chỉ định phẫu thuật (như bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe yếu, nhiều bệnh nền nặng), hoặc người bệnh không chấp nhận các tai biến của phẫu thuật. Biện pháp này đơn giản, bệnh nhân có thể xuất viện trong vòng 48 giờ sau can thiệp, gần như không đau.
"Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy nút mạch cải thiện chất lượng đi tiểu cho bệnh nhân tương đương phẫu thuật", tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức nói.
Mô phỏng tuyến tiền liệt bình thường (bên trái) và phì đại. Ảnh Shutterstock
Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp nút mạch tuyến tiền liệt không thể thấy ngay sau can thiệp giống như phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức cho hay. Cụ thể, với phẫu thuật sẽ lấy được phần lớn tuyến tiền liệt ra ngoài, sau vòng 1-2 tuần người bệnh đã cải thiện rõ rệt tình trạng tiểu khó, tiểu đêm, tiểu rắt; tia nước tiểu trở lại bình thường. Còn với nút mạch, tốc độ cải thiện rối loạn tiểu có thể chậm hơn vài tuần, do tuyến tiền liệt co lại từ từ. Bù lại, người bệnh sẽ không gặp những biến chứng muộn của phẫu thuật và vấn đề về tình dục.
20h ngày 7/12, chương trình tư vấn trực tuyến "Can thiệp phì đại lành tính tuyến tiền liệt không cần phẫu thuật" phát trên báo điện tử https://vtv.vn/, https://thanhnien.vn/, https://tamanhhospital.vn/; livestream trên Ứng dụng VTVGo của Đài truyền hình Việt Nam. Ứng dụng xem truyền hình trực tuyến THVLi - Đài truyền hình Vĩnh Long; livestream trên các fanpage Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Đài truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Vĩnh Long, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Trung tâm Tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC, fanpage Tiết niệu - Nam học BVĐK Tâm Anh; kênh Youtube Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Youtube Tiết niệu Nam học Tâm Anh, Youtube Báo Thanh Niên, Đài THVL; tiếp sóng trên fanpage VnExpress.net của Báo điện tử VnExpress, fanpage Báo Thanh Niên của báo Thanh Niên.
Chương trình cung cấp thông tin về bệnh phì đại tuyến tiền liệt và phương pháp điều trị bệnh không cần phẫu thuật nội soi là can thiệp nút mạch. Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh tham gia tư vấn có TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, trưởng khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa; BS CKII Thi Văn Gừng, Phó Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch; Trưởng Đơn vị Hình ảnh học can thiệp, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp; BS Dương Đình Hoàn, Đơn vị Hình ảnh học can thiệp, Trung tâm chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!