Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là ngành hiện thân của lòng nhân ái

PV-Thứ ba, ngày 17/11/2020 21:57 GMT+7

VTV.vn - Ngày 17/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước ngành Lao động - Thương binh và Xã hội lần thứ V năm 2020.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự có: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và gần 200 đại biểu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước ngành Lao động - Thương binh và Xã hội 5 năm qua.

Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là ngành hiện thân của lòng nhân ái - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể xuất sắc

Nhớ lời dạy của Bác "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua...", "Càng khó khăn, càng phải đẩy mạnh thi đua", trong 5 năm qua, với chủ đề xuyên suốt là "Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020", các phong trào thi đua yêu nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát triển sâu rộng, trên mọi lĩnh vực của ngành, với nội dung và hình thức thi đua ngày càng được đổi mới, gắn kết với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành hăng hái thi đua phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển đất nước.

Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là ngành hiện thân của lòng nhân ái - Ảnh 2.

Đại diện Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương dự Đại hội

5 năm qua, ngành đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên tinh thần lấy con người làm trung tâm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội theo từng bước tiến của đất nước và trong từng chính sách phát triển. Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua đã thể chế hóa những quy định của Hiến pháp và phù hợp với các cam kết thông lệ quốc tế, góp phần quan trọng từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế.

5 năm qua đã giải quyết việc làm mới cho 7.850.000 lượt người và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp. Giáo dục nghề nghiệp có bước phát triển và gắn với thị trường lao động cũng như nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 64,5 % cơ cấu lao động. Cơ cấu việc làm chuyển dịch theo hướng tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên.

Người có công, đặc biệt là gia đình liệt sĩ, các thương binh, các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm chăm lo hỗ trợ toàn diện. Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" cả nước vận động được hơn 2.580 tỷ đồng, xây dựng mới 32.850 nhà tình nghĩa trị giá 1.518 tỷ đồng, sửa chữa 21.655 nhà tình nghĩa trị giá gần 475 tỷ đồng; hỗ trợ trên 500 tỷ đồng mỗi năm để tu sửa, nâng cấp mộ liệt sĩ, các công trình nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, đảm bảo khang trang, từng bước đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo bền vững lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là ngành hiện thân của lòng nhân ái - Ảnh 3.

Tặng Cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân.

An sinh xã hội được tăng cường, kịp thời hỗ trợ người dân bị rủi ro trong cuộc sống. Các chính sách bảo hiểm xã hội có nhiều cải cách hướng tới bao phủ toàn dân; tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng lên đối với cả lao động nam và nữ; khoảng cách giới trên tất cả các lĩnh vực được thu hẹp. Vị thế của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực được nâng cao. Các quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng, đảm bảo.

Đặc biệt, Bộ đã kịp thời tham mưu ban hành gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động, người có công, hộ nghèo gặp khó khăn do đại dịch của Covid -19.

Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" được thực hiện có hiệu quả thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững mà bộ là cơ quan quản lý. Qua đó, đã tập trung nguồn lực hỗ trợ thực hiện ở nơi khó khăn nhất. Nhiều thôn, xã thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 9,2 % của đầu nhiệm kỳ và hiện nay còn khoảng 3 %, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Từ phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020 đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình rất đáng trân trọng và học tập; nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp ghi nhận và khen thưởng.

Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là ngành hiện thân của lòng nhân ái - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Đại hội

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương kết quả thành tích của ngành Lao động -Thương binh và Xã hội đã đạt được trong 5 năm qua.

Phó Chủ tịch nước nêu rõ: Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Việc nước ta tham gia vào hàng loạt Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng tác động làm thay đổi quan hệ cung cầu lao động, cơ cấu lao động. Vấn đề già hóa dân số với tốc độ nhanh, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh bão lũ, nhất là dịch của Covid-19 còn kéo dài và tình hình mưa bão xảy ra liên tiếp ở miền Trung vừa qua đã và đang tác động nghiêm trọng đến sản xuất, cuộc sống và sinh kế của người dân, đặt ra yêu cầu phải thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm, đảm bảo thu nhập và ổn định đời sống của nhân dân cũng như tăng cường bảo trợ xã hội…

Phó Chủ tịch nước đề nghị, ngành tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; tham gia thực hiện có hiệu quả 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động; thực hiện nghiêm việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu điển hình tiên tiến để biểu dương tôn vinh, khen thưởng kịp thời; coi trọng và thực hiện đồng bộ việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết nhân điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa trong ngành cũng như trong toàn xã hội.

Đặc biệt, chú trọng kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động tham mưu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp và đội ngũ cán bộ chuyên trách thi đua, khen thưởng trong ngành. Đồng thời, tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp và người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và tích cực tham gia các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội.

Tại Đại hội, 1 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 6 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 3 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Dịp này, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025, quyết tâm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là ngành hiện thân của lòng nhân ái.

Đại hội cũng thông qua danh sách đại biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước