"Đôi tay vàng" trong ngành phẫu thuật cột sống được trao danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô

Việt Linh-Thứ tư, ngày 09/10/2024 06:05 GMT+7

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024 tặng Phó Giáo sư, Tiến sỹ Y học, Bác sỹ cao cấp, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

VTV.vn - Người bác sĩ được giới y học tôn vinh là "đôi tay vàng" đó chính là PGS.TS Nguyễn Văn Thạch - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Vào sáng 8/10, thành phố Hà Nội đã trao tặng danh hiệu "Công dân ưu tú thủ đô" năm 2024. Trong số 10 cá nhân được vinh danh có "đôi tay vàng" trong phẫu thuật cột sống - PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ông là người đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào công tác khám chữa bệnh chuyên ngành cột sống, chấn thương chỉnh hình, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên cả nước và Thủ đô.

Đôi tay vàng trong ngành phẫu thuật cột sống được trao danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch trong "Hành trình 15 năm Nhân tài Đất Việt". Ảnh: Bộ KHCN

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch sinh ra và lớn lên tại xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông liên tục là học sinh giỏi toàn khóa. Năm 1971, thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa nhưng ông Thạch xung phong lên đường nhập ngũ. Sau khi xuất ngũ, ông thi và đỗ Trường Đại học Y Thái Bình với số điểm cao. Liên tục là sinh viên giỏi, ông được cử lên học tại Đại học Y Hà Nội. Năm 1982, ông chính thức về làm ở Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức.

Năm 1988, ông cùng với nhiều bác sĩ khác được Nhà nước cử đi đào tạo tiến sỹ ở Đức về lĩnh vực y tế. Tại đây, ông may mắn gặp được những chuyên gia hàng đầu nước Đức về lĩnh vực Phẫu thuật cột sống (PTCS) và đã định hướng, giúp đỡ, truyền nghề cho ông. Thấy đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam, bác sĩ Thạch khi đó đã chủ động xin học về PTCS nhiều hơn và đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu. Ông vẫn thường hay chia sẻ về những lời dặn dò vui của những người thầy của mình tại Đức rằng: “Sau này, ông về Việt Nam mổ, đừng để bệnh nhân đến khám lại sau mổ nói với mình rằng, giá mà tôi đau như lúc chưa mổ thì tốt”. Và chính lời dặn dò "vui" đó đã làm động lực rất to lớn cho ông sau này.

Đôi tay vàng trong ngành phẫu thuật cột sống được trao danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch luôn trăn trở về lĩnh vực Phẫu thuật cột sống (Ảnh: Internet)

Trong các câu chuyện của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch luôn nhắc đến cố GS. Tôn Thất Bách với lòng kính trọng như một người anh, người thầy lớn. Bởi như lời ông kể, sau thời gian học tập ở nước ngoài, năm 1997 ông về nước và vẫn chủ yếu làm chấn thương chỉnh hình, nhưng ông luôn trăn trở về lĩnh vực PTCS. Thấy ông tâm huyết với PTCS nên năm 2003, GS. Tôn Thất Bách lúc đó là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức trò chuyện với ông về lĩnh vực này và quyết định thành lập đơn vị PTCS.

Bắt đầu từ năm 2004, với cương vị Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch đã đưa phẫu thuật chấn thương cột sống vào mổ cấp cứu và ông là bác sĩ chính trong mọi kịp mổ. Năm 2007, Khoa PTCS, BV Việt Đức chính thức được thành lập. Cũng trong năm đó, ông và các đồng nghiệp đã ứng dụng thành công công nghệ điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần, kỹ thuật mổ nội soi thoát vị đĩa đệm, cột sống lưng, cột sống cổ và hầu hết các loại phẫu thuật bệnh lý cột sống cũng như bệnh lý đĩa đệm đều được triển khai bằng biện pháp ít xâm lấn.

Đôi tay vàng trong ngành phẫu thuật cột sống được trao danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô - Ảnh 3.

Tổ chức Nghiên cứu và ứng dụng robot trong phẫu thuật cột sống quốc tế tặng Khoa Phẫu thuật cột sống và PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch Kỷ niệm chương “Vì sự tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng robot hỗ trợ chính xác Renaissance để điều trị cho người bệnh”. Ảnh: Báo CAND

Một trong những kỹ thuật nổi bật được PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch mạnh dạn triển khai là ứng dụng robot trong PTCS từ năm 2012. Đây là kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn, hạn chế được tỉ lệ bắt vít không chính xác có thể gây ra các tổn thương thần kinh. Từ đó nâng cao tính an toàn và hiệu quả, rút ngắn thời gian phẫu thuật và thời gian nằm viện cho bệnh nhân.

Từ khi triển khai các công nghệ tiên tiến trong PTCS, mỗi năm Khoa PTCS, BV Việt Đức đón nhận hàng trăm nghìn bệnh nhân trong và ngoài nước đến khám, chữa bệnh, trong đó có từ 5.000 – 7.000 ca phẫu thuật. Mỗi ngày, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch thường trực tiếp phẫu thuật từ 4 – 6 ca.

Ngoài thời gian làm việc ở bệnh viện, ông còn tham gia giảng dạy ở Khoa sau Đại học của Đại học Y Hà Nội. Nói về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, ông quan niệm rằng, một bác sĩ giỏi, trong một lần cũng chỉ chữa được cho một người bệnh, còn đào tạo được 5 hay 10 bác sĩ thì cùng lúc sẽ có thêm 5 – 10 người bệnh được chữa khỏi bệnh. Chính vì thế, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch đã đào tạo được nhiều thế hệ bác sĩ trẻ trưởng thành, góp phần đưa Khoa PTCS của BV Việt Đức trở thành trung tâm PTCS hàng đầu của Việt Nam.

Đôi tay vàng trong ngành phẫu thuật cột sống được trao danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô - Ảnh 4.

PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch và nhiều chuyên gia thế giới về CTCH đã khám bệnh và phẫu thuật trình diễn trên robot cho một số ca bệnh trượt đốt sống thắt lưng và phẫu thuật nội soi khớp vai khó tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Báo CAND

Đôi tay vàng trong ngành phẫu thuật cột sống được trao danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô - Ảnh 5.

PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch và các thầy thuốc của Khoa Phẫu thuật cột sống và các bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng robot. Ảnh: Báo CAND

Đến năm 2020, tại Đại hội Đại biểu Hội Phẫu thuật cột sống Việt Nam lần thứ nhất, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Phẫu thuật cột sống Việt Nam (nhiệm kỳ 2020-2025). Ông cũng chia sẻ rằng, ở nước ta hiện nay đang tồn tại một thực trạng là hầu hết trường hợp mắc bệnh cột sống ngại phẫu thuật và thực trạng này dẫn đến việc các bệnh nhân đến với chúng tôi thường trong tình trạng đã muộn. Có những người đã đau cột sống mấy chục năm, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Đôi tay vàng trong ngành phẫu thuật cột sống được trao danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô - Ảnh 6.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch tại Đại hội Đại biểu Hội Phẫu thuật cột sống Việt Nam lần thứ nhất.

Đôi tay vàng trong ngành phẫu thuật cột sống được trao danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô - Ảnh 7.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch được bầu làm Chủ tịch Hội Phẫu thuật Cột sống Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch cũng nhấn mạnh: "Mục đích cuối cùng của Hội là tăng thêm sức mạnh, kiến thức cho lực lượng ngành y trong lĩnh vực khám, chữa bệnh về cột sống, để chăm sóc nhân dân tốt hơn, cải thiện cuộc sống cho những người mắc bệnh lý về cột sống, trả lại sức lao động xã hội". Đó cũng là những điều mà ông luôn trăn trở.

Với những đóng góp lớn cho ngành y, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhì, Danh hiệu “Đột phá vì cộng đồng” trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2014. Ngoài ra, ông còn được tặng danh hiệu: “Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô và Trí thức quản lý tiêu biểu năm 2014”; “Nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, có tài”; giải nhất “Nhân tài đất Việt”…

Đôi tay vàng trong ngành phẫu thuật cột sống được trao danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô - Ảnh 8.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch vinh dự được trao tặng danh hiệu "Công dân ưu tú thủ đô" năm 2024.

Việc được trao tặng danh hiệu "Công dân ưu tú thủ đô" năm 2024 là một niềm vui rất lớn không chỉ riêng của PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, mà đó cũng là niềm vui, niềm tự hào của ngành phẫu thuật cột sống nói riêng và ngành y học Việt Nam nói chung. Giải thưởng này cũng thay cho một lời cảm ơn tới những đóng góp của PGS.TS Nguyễn Văn Thạch cho nền y học nước nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước