Thời gian vừa qua, liên tiếp các vụ sạt lở bờ sông đã xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây nhất Trà Vinh và Vĩnh Long vừa phải công bố tình huống sạt lở bờ sông khẩn cấp.
Cuối tháng 7, tỉnh Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở ven sông Hậu thuộc hai xã Ninh Thới và Hòa Tân, huyện Cầu Kè. 15 điểm sạt lở, với tổng chiều dài gần 1 km, có những đoạn sạt lở lấn sát chân đường ảnh hưởng tới nhà dân, trường học.
Ngày 30/7, tỉnh Vĩnh Long công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên tuyến kênh La Ghì qua xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn với chiều dài khoảng 200 mét, ảnh hưởng trực tiếp tới 15 nhà dân. Trước đó, trong tháng 6, tỉnh này cũng công bố tình huống sạt lở khẩn cấp 80 mét bờ sông Trà Ôn thuộc xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn và gần 270 mét bờ sông Măng Thít, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm.
Ngày 25/7, tỉnh Đồng Tháp xảy ra vụ sạt lở bờ sông Tiền nghiêm trọng với chiều dài 50 mét, sâu 60 mét, nhấn chìm hơn 3.000 mét vuông đất tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành.
Tại Cà Mau, đầu tháng 7, ven sông thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển bị sạt lở khiến 4 căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông, 5 căn nhà phải di dời khẩn cấp trong đêm. Tính từ đầu năm, Cà Mau ghi nhận hơn 20 vụ sạt lở, làm đổ sụp và hư hỏng hàng trăm căn nhà, hàng nghìn ha đất sản xuất, gần 30km đường giao thông.
Tại thành phố Cần Thơ, tính hết 7 tháng năm 2024 đã xảy ra 24 vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 830m, tập trung tại các quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Cờ Đỏ và Cái Răng.
Theo nhận định của các chuyên gia, tốc độ sạt lở, sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra đến mức đáng báo động. Nếu như trước năm 2005, mỗi năm vùng đồng bằng châu thổ được bồi 100ha đất thì khoảng 15 năm trở lại đây, mỗi năm đồng bằng bị mất tới hơn 350ha đất. Theo kết quả thống kê gần đây của viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, toàn vùng đang có 743 điểm sạt lở, gồm bờ sông 686 điểm, dài 591km; bờ biển 57 điểm, dài 203km.
Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc khai thác cát dẫn đến hạ thấp đáy sông, làm thay đổi dòng chảy. Trong khi lượng cát bị lấy đi lớn, nhưng lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm càng khiến tình trạng sụt lún, sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo đó, trước đây lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long 150-160 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy, lượng phù sa hiện tại chỉ còn 25-35% so với trước đây và trong tương lai có thể tiếp tục giảm, còn dưới 10% khi các đập thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh được xây dựng.
Bên cạnh đó, vấn đề phát triển hạ tầng ven sông; khai thác nước ngầm, phương tiện giao thông thủy di chuyển cũng là các yếu tố khiến sạt lở, sạt lở bờ sông thêm trầm trọng.
Tình trạng sụt lún đất trên toàn Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra kéo dài. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tốc độ lún này lớn hơn nhiều lần so với mực nước biển dâng. Hầu hết các vùng trên đồng bằng đều bị lún từ 0,5-3 cm/năm; các vùng ven biển phổ biến lún từ 1,5-2,5 cm/năm, nhiều nơi lớn hơn 2,5 cm/năm.
Bạc Liêu ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân vùng sạt lở
Khu vực sạt lở phía sau trường Mầm non Sơn Ca 2, ở phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu với chiều dài gần 80 mét. Hiện địa phương đã cho gia cố tạm. May mắn là vị trí sạt lở chưa gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng của trường.
Từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở ở thị xã Giá Rai diễn biến phức tạp làm khoảng 20 căn nhà bị sập một phần xuống sông. Ngoài ra có khoảng 40 căn nhà khác cũng bị rạn nứt. Trong khi đó, tại huyện Hồng Dân, tình trạng sụt lún, sạt lở cũng xảy ra nghiêm trọng. Toàn huyện đã phát sinh 20 điểm sụt lún với tổng chiều dài hơn 1.000m. 3 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn.
Tại thành phố Bạc Liêu, tình trạng sạt lở cũng xảy ra hết sức nghiêm trọng. Chỉ trong vài ngày, sạt lở đã làm hàng chục căn nhà ở khóm 6, phường 5, bị ảnh hưởng. UBND tỉnh cũng đề nghị chính quyền các địa phương huy động mọi nguồn lực cho phòng chống sạt lở và có phương án hỗ trợ kịp thời đảm bảo cuộc sống người dân.
Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng và ngày càng phức tạp, mới đây, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết, nếu đủ điều kiện, tỉnh sẽ cân nhắc công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở tại vùng bị ảnh hưởng.
Cảnh báo tình trạng sạt lở tăng mạnh về cuối năm
Từ nay đến cuối năm, Đồng Bằng sông Cửu Long sẽ bước vào cao điểm mùa mưa lũ, cũng là mùa cao điểm sạt lở. Năm nay dưới tác động của hiện tượng khí quyển đại dương chuyển từ pha Elnino sang Lanina nên thời tiết sẽ mưa nhiều, Tổng lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 11 phổ biến ở mức cao hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Về diễn biến lũ, năm nay dự báo đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ cao hơn hẳn các năm trước. Theo đó, lũ sẽ lên cao nhất vào tháng 10, ở trạm Tân Châu trên sông Tiền, mức lũ sẽ quanh báo động 1, cao hơn 41cm so với năm ngoái. Còn ở trạm Châu Đốc trên sông Hậu, mức lũ trên báo động 1, cao hơn 27 cm so với năm ngoái.
Trời mưa nhiều, đất càng bở rời, kết dính kém; cộng với lũ về, dòng chảy trên các sông tăng cao, chảy mạnh sẽ khiến tình trạng sụt lún, sạt lở đất gia tăng ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long trong những tháng cuối năm nay.
Trong đó An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Cà Mau là những địa phương sẽ có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!