Đến thời điểm này, mực nước sông Hồng đoạn chảy qua cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ đã dâng thêm 1m, lên mức kỷ lục trong 50 năm qua, lưu tốc dòng chảy mạnh khiến công tác cứu hộ các nạn nhân, cũng như việc lắp đặt cầu phao di chuyển khó khăn. Tuy nhiên, lực lượng Binh chủng Công binh hiện đã sẵn sàng các trang thiết bị đặc chủng để lắp cầu.
Tự cắt cây, thậm chí sẵn sàng chặt bỏ hàng chục cây xanh và những chướng ngại vật được người dân xã Hương Nộn, huyện Tam Nông đồng loạt triển khai trong sáng nay (10/9). Mục tiêu sớm nhất bàn giao mặt bằng để xe chuyên dụng vào khu vực làm cầu phao.
"Để lắp đặt cầu phao, nhà tôi có cây xanh mà cần xử lý, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ", ông Ngô Văn Huấn (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) chia sẻ.
Hàng trăm quân nhân, phương tiện được huy động. (Ảnh: NLĐ)
Cách địa điểm làm cầu phao không xa, hàng loạt phương tiện cơ giới và các thiết bị cần thiết để lắp cầu phao đã được Binh chủng Công binh vận chuyển từ Hà Nội lên trong sáng nay.
Trên mỗi thùng xe chở một đốt cầu phao, khi bung ra thả xuống sông sẽ có chiều dài khoảng 7m và để bắc qua sông Hồng thay thế cho cầu Phong Châu, dự kiến cần 37 đốt cầu phao.
Với chiều rộng lòng sông là 247 m nếu bắc cầu khi lưu tốc nước về khoảng 2m/s, công tác lắp đặt dự kiến chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ.
"Khu vực gần bờ bên tả của sông Thao bị sạt lở nên để bảo đảm đường dẫn xuống phải khắc phục với khối lượng lớn, khoảng hàng trăm mét khối đất đá", Đại tá Đỗ Hữu Tiềm (Chính ủy Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh) cho biết.
"Chúng tôi sẵn sàng khảo sát, tham gia cùng Binh chủng Công binh khi điều kiện thời tiết, dòng chảy và đảm bảo về mặt kỹ thuật sẽ tiến hành bắc cầu phao", Trung tướng Phạm Đức Duyên (Chính ủy Quân khu 2) cho hay.
Tại đầu cầu Phong Châu, nhiều gia đình vẫn đang bám trụ để đợi chờ phép màu kỳ diệu xả ra với những người thân của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!