Đồng Nai: Người dân khốn khổ vì trại heo gây ô nhiễm môi trường

Thanh Phong - Vũ Hoàn-Chủ nhật, ngày 22/05/2022 09:14 GMT+7

VTV.vn -Nhiều hộ dân sống tại Ấp 3, xã Phú An, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đang kêu cứu vì trang trại heo gây ô nhiễm nguồn nước, mùi hôi thồi nồng nặc, ruộng vườn bị hoang hoá.

Nhiều ngày qua, nhiều hộ dân sinh sống tại ấp 3 xã Phú An, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đang phải hứng chịu tính trạng ô nhiễm môi trường từ trại heo H.G.P nằm trên địa bàn phát tán mùi hôi và xả nước thải chưa xử lý ra môi trường.

Theo người dân tình trạng ô nhiễm này đã xảy ra từ nhiều năm qua, và họ đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được xử lý. Tình trạng này đang đe dọa đến môi trường sống của họ ngày càng nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên VTV News, anh Nguyễn Văn Quyết, ngụ tại ấp 3, xã Phú An, huyện Tân Phú cho biết từ khi có trại heo về hoạt động thì mùi hôi thối của phân heo thường xuyên bay vào nhà cả ngày lẫn đêm, gia đình ai cũng phải đeo khẩu trang nhưng cũng chẳng thua. Cửa nhà lúc nào cũng đóng kín, để ngăn mùi hôi nhưng nhiều khi đến bữa cơm phải bỏ dở vì hôi thối không thể nào nuốt được.

Đồng Nai: Người dân khốn khổ vì trại heo gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 1.

Hồ chứa nước thải của Công ty TNHH chăn nuôi H.G.P nằm cạnh con suối Cạn

"Trước đây gia đình tôi vẫn sinh hoạt và sử dụng nguồn nước giếng rất bình thường. Nhưng hiện nay, nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng, chỉ dùng để tưới cây chứ không thể dùng. Vì nước bơm lên là có mùi tanh tanh hôi thối giống như phân heo, để qua đêm sáng hôm sau là nổi váng như màu nước thải của heo.

Hiện mỗi tháng gia đình tôi phải mua nước bình về để sử dụng nấu nướng, mất vài trăm ngàn đồng. Còn ờ khu vườn và ruộng xung quanh nhà, cứ mỗi lấn trời mưa là nước thải của heo hòa lẫn vào nước mưa dâng lên đen kịt, bám vào cây cối trên ruộng vườn khiến cho cây đều chết sạch", anh Nguyễn Văn Quyết nói .

Không riêng gì gia đình anh Quyết mà hàng chục hộ dân khu vực này đều cùng chung cảnh ngộ. Khoảng gần 20 héc ta ruộng vườn của các hộ dân khu vực này đành bỏ hoang, vì không canh tác được.

Không chịu nổi tình trạng ô nhiễm, một số hộ dân ở đã phải bán nhà đi nơi khác sinh sống.

Đồng Nai: Người dân khốn khổ vì trại heo gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 2.

Nước từ con suối Cạn có mảu vàng đục giống như màu nước thải phân heo

Ông Bùi Xuân Sâm, Trưởng ban công tác mặt trận Ấp 3, xã Phú An, huyện Tân Phú, cho biết, từ trước đến này người dân ở đây sống rất bình yên, kể từ khi có trại heo gia đình ông và người dân sống gần trang trại này thường xuyên phải hứng chịu tình trạng hôi thối, ô nhiễm, nhất là mỗi lần sau cơn mưa, khí biogas sộc lên mùi hôi thối không thể chịu nổi.

"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên HĐND, UBND xã Phú An, huyện Tân Phú, chỉ mong các cơ quan chức năng, vào cuộc làm rõ để người dân trên địa bàn được hưởng không khí trong lành nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng" ông Bùi Xuân Sâm nói.

Trao đổi với phóng viên VTV News, bà Lại Thị Thảo, Chủ tịch UBND xã Phú An, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cho biết vấn đề xả thải từ trại heo Huỳnh Gia Phúc trên địa bàn đã xảy ra từ nhiều năm nay, sau khi nhận phản ánh của người dân xã đã tổ chức đi giám sát và ghi nhận thực tế là có hiện tượng xả thải ra suối Cạn gần đó. UBND xã cũng đã báo cáo lên UBND huyện, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai và nhiều lần mời doanh nghiệp lên làm việc nhưng doanh nghiệp không hợp tác.

"Huyện và xã đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở nhưng phía công ty, này không khắc phục mà còn làm sạt lở hồ chứa nước thải ra suối Cạn, làm tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Địa phương luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp làm ăn, phát triển, tuy nhiên phải đảm bảo được các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Ngay sau khi các phương tiện truyền thông phản ánh về tình trạng ô nhiễm tại trại heo này, Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng đã mời doanh nghiệp xuống làm việc tại xã để lập biên bản vi phạm hành chính trang trại về hành vi: Không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình với công trình xử lý chất thải: Xây lắp không đúng quy định công trình xử lý chất thải theo Quyết định đánh giá tác động môi trường: Không thực hiện một trong những nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường...". bà Lại Thị Thảo thông tin thêm.

Đồng Nai: Người dân khốn khổ vì trại heo gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 3.

Nước từ con suối Cạn bên cạnh trang trại Công ty TNHH chăn nuôi H.G.P bị ô nhiễm nặng lúc nào cũng có màu đen,

Lý giải việc trang trại bị người dân tố xả thải gây ô nhiễm môi trường, Bà Phan Thị Na - Đại diện Công ty TNHH chăn nuôi H.G.P cho biết, doanh nghiệp có rất nhiều hồ chứa nhưng thời gian gần đây hồ chứa số 6 (hồ chứa cuối cùng) bị mưa nên đã dẫn đến bể bờ đập, bạt nhựa lót bị rách nên nước thải tràn ra suối cạn. Công ty cũng cam kết sẽ khắc phục, thuê đơn vị tư vấn về vận hành và xử lí nước thải, trả lại nguồn không khí và nguồn nước trong lành cho địa phương cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn.

Theo ông Lê Văn Bình, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai hiện nay tình trạng các trang trại chăn nuôi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vẫn xảy ra.

Năm 2020, 2021 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh vẫn ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhưng do giãn cách xã hội phải tạm ngưng. Tính đến tháng 4/2022 đã xử phạt 50 cơ sở hơn 3 tỷ đồng về hành vi xả thải trộm, xả chưa qua xử lý ra môi trường.

Việc vi phạm môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, các lỗi chủ yếu là gây mùi khó làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh và việc xử lý nước thải không đạt yêu cầu.

Đồng Nai: Người dân khốn khổ vì trại heo gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 4.

Ông Bùi Xuân Sâm, Trưởng ban công tác mặt trận Ấp 3, xã Phú An cho biết nhiều hộ dân đã phải bán nhà đi nơi khác vì không chịu nổi mùi ô nhiễm.

Hiện các trang trại heo chủ yếu ô nhiễm hữu cơ là chính, nhưng nếu ô nhiễm hữu cơ kéo dài trong thời gian dài sẽ làm cho nguồn nước đó bị phú dưỡng hóa (tức thừa đạm) không sử dụng được nữa.

Theo thống kê toàn tỉnh Đồng Nai hiện có gần 2.500 trang trại chăn nuôi, chưa tính các hộ nuôi gia đình. Trong số 256 trang trại quy mô lớn thì chỉ có 200 trang trại đảm bảo các thủ tục về môi trường, có hồ sơ đánh giá tác động môi trường và hồ sơ đánh giá hoàn thành hạng mục bảo vệ môi trường, công trình xử lý nước thải, mùi hôi đi vào hoạt động.

"Trong lĩnh vực chăn nuôi tập trung thì không thể không có mùi hôi, chủ trang trại phải cam kết giảm tối đa mùi hôi phát sinh. Trong thời gian vừa qua có một số trường hợp chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình, việc xử lý nước thải còn hạn chế liên quan đến nguồn vốn. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ di dời các hộ chăn nuôi này ra khỏi khu dân cư và thành lập HTX chăn nuôi để kiểm soát tình trạng ô nhiễm trong khu dân cư.", ông Lê Văn Bình cho biết thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước