Chưa đầy 1 tháng, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 2.348 ca, cao gấp đôi đợt dịch thứ ba liên quan Hải Dương và gấp gần 4 lần đợt dịch thứ hai liên quan Đà Nẵng.
Đợt dịch bắt đầu vào ngày 27/4, khi phát hiện ca lây trong nước đầu tiên ở Yên Bái là nhân viên khách sạn - nơi có đoàn chuyên gia Ấn Độ và chuyên gia Trung Quốc cách ly khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Khách sạn Như Nguyệt 2 - nơi có đoàn chuyên gia Ấn Độ và chuyên gia Trung Quốc cách ly.
Ngày 29/4, ghi nhận các ca lây nhiễm từ một ca đã kết thúc cách ly sau nhập cảnh từ Nhật về. Đó là trường hợp thanh niên ở Hà Nam, đã không tuân thủ quy định phòng chống dịch, trở thành ca siêu lây nhiễm khi có tới gần 20 ca mắc liên quan.
Ngày 2/5, xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại Vĩnh Phúc với 6 ca mắc là nhân viên quán bar Sunny tại TP Phúc Yên, liên quan nhóm chuyên gia nước ngoài. Liên tiếp những ngày sau dịch bùng phát với nhiều ổ dịch tại 7/9 huyện, thành phố của Vĩnh Phúc.
Quán bar Sunny tại TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc.
Ngày 4/5, ghi nhận 1 ca dương tính tại Đà Nẵng, mở đầu cho các ổ dịch tiếp theo trong đó, đáng kể là hàng loạt ca liên quan thẩm mỹ viện Amida và khu công nghiệp An Đồn.
Ngày 6/5, Bắc Ninh ghi nhận 12 ca, liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ổ dịch lớn nhất là tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành.
Ngày 8/5 phát hiện ca mắc đầu tiên tại Bắc Giang, ở 1 nhà máy. Ngay sau đó, dịch nhanh chóng lây lan sang các khu công nghiệp khác khiến 4 khu công nghiệp phải đóng cửa. Với trên 9.00 ca mắc, cao nhất cả nước, hiện tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội với TP Bắc Giang và cách ly xã hội 4 huyện.
Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ở Bắc Giang (Ảnh: TTXVN)
Từ sự lây nhiễm trong các khu công nghiệp tại Bắc Giang, ngày 10/5, lần đầu tiên Việt Nam xác lập kỷ lục ghi nhận số ca nhiễm trong nước vượt ba chữ số với 125 ca. Và liên tiếp 10 ngày nay, số ca mắc mới ghi nhận trong ngày liên tục ở 3 con số.
Và điều lo ngại nhất đã xảy ra khi lần đầu tiên, có tới 10 cơ sở y tế phải phong tỏa, cách ly y tế để thực hiện khoanh vùng, truy vết. Trong đó, có cả thành trì kiên cố như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Ngày 5/5, cơ sở 2 của bệnh viện tại Đông Anh, Hà Nội đã có quyết định cách ly y tế sau khi ghi nhận 14 ca mắc.
Sau đó, đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều phát hiện cùng lúc 11 ca dương tính vào ngày 7/5 nên ngay lập tức đã phải thiết lập cách ly y tế. Hiện đã xác định được hàng trăm ca liên quan 2 bệnh viện lớn này.
Đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận biến thể có tốc độ lây lan mạnh nhất, là biến chủng lần đầu tìm thấy ở Ấn Độ. Có tới 20% là bệnh nhân nặng, xảy ra không chỉ với trường hợp có bệnh nền mà cả nhiều người trẻ.
Hiện nhiều địa phương và ngành y tế đang căng mình truy vết suốt ngày đêm, nỗ lực khoanh vùng dập dịch, chăm sóc cuộc sống của những người đang cách ly, kiểm soát lây nhiễm chéo, điều trị cho các bệnh nhân, trong số đó có những bệnh nhân diễn biến nặng. Đợt dịch này thực sự phức tạp và diễn biến khó lường, nhất là khi hầu hết các mẫu bệnh phẩm được giải trình gen mang biến chủng B1617 phát hiện lần đầu tại Ấn Độ.
"Chủng virus B1617 có nguồn gốc từ Ấn Độ, có đột biến kép. Chính điều này giúp virus có khả năng lây lan nhanh và gây nên tình trạng lâm sàng nặng hơn so với những chủng trước đây. Chúng ta phải chủ động ngăn chặn nhanh, chuyển xét nghiệm từ chạy theo sang tấn công để chủ động khoanh vùng cách ly dập dịch" - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.
"Chống dịch như chống giặc"
Ngay từ những ngày đầu tiên, Chính phủ đã đưa ra những biện pháp quyết liệt, chiến lược khoa học, và mang tính đặc thù của Việt Nam, huy động toàn dân với tinh thần "Chống dịch như chống giặc". Phát huy những kinh nghiệm từ việc đối phó với ba đợt dịch lần trước, đối mặt với đợt dịch thứ tư nguy hiểm hơn, Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo kịp thời và mang tính đột phá.
Ngày 30/4, trong một cuộc họp khẩn với các Bộ ngành sau khi xuất hiện ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng tại Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngay thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng là do tâm lý chủ quan, lơ là mất cảnh giác trong phòng chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp triệt để cho các cấp, các ngành chủ động, sáng tạo, phát huy hết năng lực, cũng như điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phòng chống dịch và khắc phục hậu quả một cách hiệu quả nhất. Nơi nào để xảy ra vi phạm các quy định phòng chống dịch, căn cứ vào hậu quả xảy ra tập trung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, đối với các tập thể cá nhân
Song song với đó, các địa phương, bộ, ngành, đơn vị đã làm tốt, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng chống dịch được ghi nhận và khen thưởng kịp thời.
Phát huy thành quả, kinh nghiệm ứng phó thành công với 3 đợt dịch trước, phương châm chỉ đạo xuyên suốt của Việt Nam vẫn là nỗ lực tối đa, sáng suốt và bình tĩnh để đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả vừa duy trì phát triển kinh tế.
Sang đợt dịch thứ 4 dịch diễn biến phức tạp hơn, biến thể virus nguy hiểm hơn, song chúng ta cũng hiểu rõ hơn về bệnh dịch và nâng cao đáng kể năng lực ứng phó. Vì vậy, chỉ đạo của Chính phủ là chúng ta chuyển từ trạng thái phòng ngự trước dịch bệnh sang kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công.
Ngày 18/5 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vaccine một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho nhân dân. Bên cạnh nguồn ngân sách có phương án sử dụng nguồn kinh phí do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch COVID-19 để mua vaccine cho nhân dân.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất, vừa kiềm chế dịch lây lan, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh tế. Việt Nam chống dịch với tinh thần quyết liệt, vừa dựa trên cơ sở khoa học, vừa huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và một điều vô cùng quan trọng là sự đồng lòng của nhân dân. Trong cuộc chiến còn gian nan này, mỗi người dân là một chiến sĩ, thực hiện tốt các biện pháp, khuyến cáo chống dịch: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!