Xây hồ chứa nước Ka Pét sẽ mang lại điều gì?
Phát biểu tại cuộc họp, ông Dương Văn An, Bí thư tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận và Ninh Thuận là hai tỉnh khô hạn nhất Việt Nam. Là vùng có lượng mưa rất thấp, chỉ 800 - 1.150 mm/năm, nhiều vùng đất khô cằn, hoang hóa, sản xuất nông nghiệp chỉ nhờ vào nước mưa. Chỉ tính nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp hàng năm, Bình Thuận cần hơn 500 triệu m3. Do đó, trách nhiệm của tỉnh là lo nước cho dân.
Theo ông Dương Văn An, việc giữ rừng là cho dân, giữ nước cũng cho dân, cái gì đúng thì làm nhưng không làm bất chấp. Tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tiếp thu ý kiến của báo chí, các nhà khoa học. Nếu có bất hợp lý, gây tổn hại đến môi trường, phá vỡ hệ sinh thái nghiêm trọng thì tỉnh sẵn sàng nghiên cứu, cầu thị và tiếp thu.
"Dư luận đang có những chiều ý kiến về xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, có những người ủng hộ và không ủng hộ. Người ủng hộ là người dân Bình Thuận, hàng năm sống trong cảnh khô hạn, thiếu nước. Người không ủng hộ thì cho rằng tỉnh Bình Thuận phá rừng", ông An nói.
Rất đông cơ quan báo, đài tham dự buổi họp báo chiều ngày 7/9/2023 tại UBND tỉnh Bình Thuận
Để rộng đường dư luận, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ về dự án hồ chứa nước Ka Pét.
"Mất rừng ai cũng tiếc nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước. Việc xây hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực nổi trội hơn là tiêu cực. Làm hồ thủy lợi sẽ ảnh hưởng đến rừng, không ít thì nhiều. Nhưng có hồ, môi trường chắc chắn sẽ tốt lên vì tích được nước, tăng độ ẩm toàn khu vực, tạo môi trường cho cây sinh trưởng", ông An cho biết thêm.
Dựa vào đâu để chọn vị trí làm hồ chứa nước Ka Pét?
Ông Nguyễn Công Thành, đại diện đơn vị tư vấn - Viện Đào tạo và Khoa học miền Trung cũng cho biết, để xây hồ chứa nước cần phải chọn địa điểm eo núi, là nơi tụ thủy, địa hình dễ ngăn đập để dung tích chứa nhiều nhất, nhưng ít tổn hại rừng.
Qua khảo sát, chỉ có 2 vị trí xây dựng hồ chứa nước. Vị trí đầu tiên năm 1995 đã lựa chọn quy hoạch là ngay sát dưới cầu Bà Bích. Với nguồn sinh thủy lớn (136km2) nhưng khi xây dựng hồ tại vị trí này thì toàn bộ khu canh tác 127 ha của người dân xã Mỹ Thạnh, cầu Bà Bích và toàn bộ tuyến đường độc đạo nối từ Quốc lộ 1A vào xã Mỹ Thạnh cùng hơn 620 ha rừng sẽ bị ngập. Mặt khác, để tạo hồ chứa nước trên 51 triệu m3 ở vị trí này thì cần xây dựng tuyến đập dài 550m và chiều cao đập tới 32m nên chi phí đầu tư sẽ rất lớn.
Theo ông Nguyễn Công Thành vị trí xây hồ Ka Pét thứ hai được xác định vào năm 2011, cách vị trí ban đầu 5km, nơi đang có hơn 619 ha rừng, được đơn vị tư vấn chọn rất kỹ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có. Theo đơn vị tư vấn, đây là vị trí được lựa chọn kỹ lưỡng và theo quy quy hoạch trước đây, có lợi về kinh tế và an sinh xã hội.
Rừng sẽ được trồng thay thế như thế nào?
Trước những thắc mắc của các cơ quan truyền thông về việc sẽ trồng rừng thay thế hơn 619ha rừng bị phá làm hồ thủy lợi Ka Pét, ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận,việc chuyển đổi hơn 619 ha rừng, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận sẽ trồng thay thế gấp 3 lần diện tích rừng khai thác, tức hơn 1.800 ha nhằm tăng độ phủ cây xanh. Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế đợt 1 cho dự án hồ chứa nước Ka Pét với diện tích hơn 430 ha. Trong diện tích quy hoạch rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú sẽ là nơi trồng rừng thay thế của dự án hồ chứa nước Ka Pét.
"Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có báo cáo và đề nghị bổ sung một số khu vực khác để trồng rừng thay thế phù hợp, như mở rộng trồng rừng thay thế hơn 2.000 ha tại khu vực được quy hoạch cho rừng sản xuất. Nếu được Quốc hội cho phép, tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai trồng đồng thời trên diện rộng, rút ngắn thời gian hoàn thành việc trồng rừng thay thế của dự án và đồng bộ với tiến độ hoàn thành xây dựng công trình của dự án", ông Lê Thanh Sơn cho biết.
Ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cũng cho biết đây là chủ trương đầu tư xây dựng lớn, mang tầm quan trọng quốc gia, có ý nghĩa kinh tế, xã hội, phục vụ đời sống cho hơn 120.000 người dân. Quá trình triển khai thực hiện dự án, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Thuận cũng đã thực hiện nghiêm túc các quy định về đánh giá tác động môi trường. Tỉnh Bình Thuận đã rà soát kỹ lưỡng và đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt phương án giảm từ 160 ha rừng đặc dụng xuống còn gần 138 ha rừng đặc dụng.
Người dân có đồng thuận?
Cũng trong buổi họp báo, UBND tỉnh Bình Thuận đã trình chiếu video về cuộc sống của người dân ở trong vùng dự án hiện nay. Do thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, nhiều vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, cuộc sống người dân vất vả… Nhất là vào mùa khô. Họ mong chờ hằng ngày hồ chứa nước Ka Pét sớm khởi công xây dựng.
Bản vẽ mô phỏng hồ thủy lợi Ka Pét
Chia sẻ về khó khăn, bà Hoàng Thị Kha, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, xã thuộc vùng cao, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nguồn nước tưới tiêu phụ thuộc vào nước trời là chính. Trong nhiều năm qua, vì thiếu nước nên tình hình sản xuất không đảm bảo. Vì vậy, người dân xã Mỹ Thạnh đồng thuận với chủ trương xây hồ thủy lợi Ka Pét.
Lãnh đạo Sở NN & PTNT tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, thời gian tới, những hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở khu rừng kế bên, không ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Khi có hồ, bà con có thể sản xuất cả mùa mưa lẫn mùa khô và có thể nuôi trồng thủy sản trên mặt hồ/.
Kết luận tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã cung cấp đầy đủ thông tin, đáp ứng cơ bản các câu hỏi của phóng viên. Mọi người đều thỏa mãn và đồng thuận với phần trả lời về chủ trương đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét. Qua đó, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận mong muốn các cơ quan báo chí chia sẻ thông tin chân thực, thấu đáo, mang tính xây dựng, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Thuận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!