Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ năm 2020 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Như vậy, hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước sẽ phải di dời ra khỏi các khu dân cư. Việc di dời một trang trại chăn nuôi không hề đơn giản, vì liên quan đến quy hoạch, quỹ đất, hạ tầng và vốn đầu tư. Vì thế lộ trình di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi dân cư phải phù hợp, nhằm xây dựng nền chăn nuôi hiện đại và bền vững.
Như tại Đồng Nai, hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi, bao gồm cả các nông hộ tại nhiều huyện của tỉnh này - nơi được xem là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, chuẩn bị di dời ra khỏi khu vực dân cư và những nơi không được phép chăn nuôi, theo quy định của Luật chăn nuôi hiện hành. Việc di dời các cơ sở chăn nuôi là thực hiện theo quy định của Luật chăn nuôi, lần đầu tiên được ban hành vào cuối năm 2018, với mục đích là bảo vệ môi trường.
Theo quy định của Luật, các địa phương có 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, tức là đến ngày 1/1/2025 các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư sẽ phải di dời. Luật Chăn nuôi được ban hành từ năm 2018, có nghĩa là chính quyền các địa phương có gần 7 năm để thực hiện quy định này. Đã hơn 3 năm trôi qua, đến nay những thủ phủ chăn nuôi như Đồng Nai mới bắt đầu chuẩn bị.
Nhiều hộ chăn nuôi "kêu khó" với quy định phải di dời ra khỏi các khu dân cư
Ghi nhận cho tới thời điểm này, nhiều trang trại chăn nuôi tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào từ các sở ban ngành có liên quan, trong khi lộ trình di dời rất ngắn. Với trang trại 6.000 con gà, chị Linh đang rất bối rối vì không biết xử lý thế nào vì nguồn vốn để tái sản xuất và địa điểm di dời đang là bài toán khó với nhà chị và nhiều cơ sở chăn nuôi trong diện buộc phải di dời.
"Vốn liếng vay ngân hàng đã đầu tư hết vào đây. Đã là luật thì không thể cưỡng chế nhưng rất mong muốn là nhà nước thể cho hộ dân chúng tôi có thể kéo dài quá trình sản xuất. Hoặc nếu phải di dời thì cho chúng tôi biết di dời đi đâu", chị Nguyễn Thị Xuân Linh, Xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá quy định di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư như là một cuộc đại "di dời" của ngành nông nghiệp. Ông Dương đánh giá việc di dời các cơ sở chăn nuôi trong 3 năm qua là chậm.
"Nhiều địa phương vẫn đang bàng quan, vẫn đang lo giải quyết giá thức ăn thế nào, vấn đề thị trường ra sao. Tuy nhiên việc di dời các sơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi là vấn đề vô cùng lớn. Vấn đề này một mình ngành nông nghiệp không thể giải quyết được. Nhìn chung các địa phương chưa ý thức hết được khó khăn của vấn đề này", ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư 3 năm qua là chậm
Cũng theo ông Dương, theo Luật Chăn nuôi thì các sở chăn nuôi không đủ điều kiện có 5 năm và đang ở vùng không được phép chăn nuôi phải di chuyển. Nhà nước đã giao cho các địa phương ban hành quy định khu nào không được phép chăn nuôi.
"Khoảng năm 2021, 63 tỉnh thành đã đưa ra quy hoạch khu vực không được phép chăn nuôi. Như vậy còn thời gian khoảng 4 năm để người chăn nuôi chuyển đi. Nếu chúng ta quyết tâm làm thì thời gian này không phải quá ngắn", ông Dương đánh giá.
Cần có quỹ đất riêng cho chăn nuôi?
Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đã không còn phù hợp, nhất là trong điều kiện có nhiều dịch bệnh và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ngày càng đòi hỏi cao hơn. Vì vậy việc di dời các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư là xu thế tất yếu. Đây cũng là cơ hội để nước ta hình thành một nền chăn nuôi lớn, hiện đại, có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi sản xuất thực phẩm của thế giới.
Trong Luật Chăn nuôi có đưa ra khái niệm về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi. Đây là những khái niệm mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc cụ thể hoá lại bộc lộ những điểm chưa phù hợp với thực tiễn.
Theo quy định tại Luật Chăn nuôi:
- Đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính. Mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống.
- Mật độ chăn nuôi được tính bằng tổng số đơn vị vật nuôi trên 01 ha đất nông nghiệp.
- Việc xác định quy mô chăn nuôi phải căn cứ vào mật độ chăn nuôi.
- Chính phủ quy định mật độ chăn nuôi cho từng vùng căn cứ vào chiến lược phát triển chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi, môi trường sinh thái.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào mật độ chăn nuôi của vùng quy định mật độ chăn nuôi của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngoài ra, một khái niệm trong Luật Chăn nuôi và Nghị định 13, hướng dẫn chi tiết Luật chăn nuôi đó là khái niệm về khu dân cư, để quy định khu vực nào được chăn nuôi chưa rõ ràng nên doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lúng túng trong triển khai thực hiện.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, không gian chăn nuôi của đang hẹp và ngày càng hẹp dần hơn. Việt Nam với diện tích không lớn nhưng mật độ chăn nuôi đang ở mức cao: Đầu lợn thứ 7 thế giới, thuỷ cầm thứ nhì...
"Chúng ta có khoảng 27 triệu ha đất nông nghiệp nhưng không có quỹ đất nào dành cho đất chăn nuôi. Chúng tôi đang kiến nghị phải có một chương nói về đất dành cho chăn nuôi. Đất cho trang trại cho chăn nuôi tập trung phải chỉ ra được. Phải có một quỹ đất dành cho chăn nuôi", ông Dương nhấn mạnh.
Cần có quỹ đất cụ thể cho ngành chăn nuôi?
Ngành chăn nuôi nước ta thời gian qua luôn được duy trì được mức tăng trưởng trung bình 5-6%/năm, tạo sinh kế gần 10 triệu hộ gia đình trên cả nước. Chăn nuôi hiện đóng góp khoảng 1/4 vào GDP ngành nông nghiệp. Đóng góp quan trọng là vậy nhưng rõ ràng ngành chăn nuôi đang đứng trước rất nhiều thách thức từ cả thị trường, lẫn những yếu tố nội tại.
Chiến lược phát triển chăn nuôi hiện đại - công nghiệp và chuyên nghiệp đã có. Vấn đề là cách thức tổ chức triển khai thực hiện. Di dời không chỉ đơn thuần là chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Mà đây cũng là cơ hội để chính quyền các địa phương xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng để điều chỉnh, tập trung nguồn lực và để bắt đầu hình thành nên ngành chăn nuôi bền vững, qua đó nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi để từ đó mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho bà con nông dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!