Mưa bão vừa qua đã làm cầu bê tông bắc qua sông Đăk Pxi nối trung tâm xã Đăk Pxi với thôn Đắk Pơ Trang bị đứt gãy. Cũng từ khi cầu bị hư hỏng, cả tháng nay, cô giáo Hà Thị Ngọc phải đi hơn 50 km mỗi ngày mới đến được điểm trường tạm trong thôn Đắk Pơ Trang để dạy học cho 2 lớp mầm non tại đây. Trước đây, cầu chưa bị hư hỏng, giáo viên chỉ đi gần 4km là đến điểm trường của mình.
Ngoài cây cầu bê tông bị đứt gãy, trên địa bàn xã Đắk Pxi còn có 2 cây cầu treo dân sinh bị hư hỏng trong đợt mưa bão vừa qua. Vì cũng không thể qua bên xã để đến trường đi học, hơn 40 em học sinh tiểu học của thôn Đắk Pơ Trang hiện phải học tạm ở nhà rông của thôn. Do không phải là trường lớp nên việc học của các em gặp nhiều khó khăn. Cả cô và trò giờ chỉ mong sao cầu được sửa để sớm được đến trường cũ như trước.
"So với dạy bên trường thì dạy bên này rất khó khăn, phải dạy ghép 2 lớp với nhau nên nề nếp cũng xáo trộn. Giờ rất mong là cầu sớm được sửa để cô trò về lại bên trường học, cho các em học cùng với bạn bè. Việc học nề nếp hơn" - cô Y Nghé, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, xã Đắk Pxi cho biết.
Đối với bà con vùng Tây Nguyên, giao thông có ý nghĩa rất lớn trong đời sống và lao động sản xuất. Việc con em vùng đồng bào dân tộc được đến trường hàng ngày cũng rất quan trọng khi kéo gần khoảng cách học tập với các bạn ở đồng bằng. Do đó, việc nhanh chóng sửa chữa cầu đường bị hư hỏng sau mưa bão là việc làm cấp thiết hiện nay đối với chính quyền và ngành chức năng tỉnh Kon Tum.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!