Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu phương tiện cá nhân, cộng với hơn 1 triệu phương tiện ra vào mỗi ngày, dẫn đến ùn tắc và ô nhiễm nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, thành phố đang đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng.
Thời gian qua, vận tải công cộng đã có những tín hiệu tích cực. Số lượng hành khách sử dụng phương tiện công cộng và các loại hình vận tải công cộng đều gia tăng. Một ví dụ rõ ràng là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Từ khi đi vào hoạt động, tuyến tàu này đã vận chuyển hàng chục nghìn lượt khách mỗi ngày, giúp giảm bớt áp lực giao thông, đặc biệt là trong giờ cao điểm.
Chị Liêm Thị Huyền, cư dân quận Hà Đông, chia sẻ: "Đi tàu điện không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúp tôi tránh được tình trạng chen chúc trên đường." Anh Nguyễn Phú Thái, sống tại quận Hoàn Kiếm, cũng cho biết: "Tuyến tàu giúp tôi giảm thời gian di chuyển từ 45 phút xuống chỉ còn 10 phút."
Sự chuyển mình này cũng góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân. Nhiều hành khách hiện đã sử dụng kết hợp giữa tàu điện, xe bus, và xe đạp để di chuyển. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP. Hà Nội, cho biết: "Một chuyến xe buýt có thể thay thế hàng chục chiếc ô tô hoặc xe máy, giúp giảm áp lực giao thông trong nội thành."
Hiện tại, Hà Nội đã đưa vào hoạt động hai tuyến đường sắt đô thị và một mạng lưới xe buýt kết nối đến tất cả quận huyện, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu đi lại trong thành phố. Theo TS. Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hà Nội Metro, thành phố sẽ tập trung phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị đến năm 2035. Đây là mục tiêu quan trọng để giải quyết vấn đề ùn tắc, ô nhiễm và xây dựng một hệ thống giao thông công cộng văn minh, hiện đại.
Bằng cách tiếp tục mở rộng và cải thiện hệ thống vận tải công cộng, Hà Nội hy vọng sẽ giảm tải áp lực giao thông cho khu vực nội thành và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho thủ đô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!