Nút giao Tân Vạn (QL1A (trái ảnh) giao với DT743A), Dĩ An, Bình Dương - Điểm đầu đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn.
Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư khoảng 76km đường Vành đai 3 với kinh phí 75.000 tỉ đồng, đi qua 4 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Long An. Dự án chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Từ tháng 10/2022 bắt đầu bàn giao mặt bằng và đến cuối năm 2023 phải bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng, đảm bảo khởi công dự án.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, ngay sau khi dự án được Quốc hội thông qua, thành phố cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An - nơi tuyến Vành đai 3 đi qua tổ chức nhiều cuộc làm việc để sớm thực hiện dự án. Tháng 7 này, Chính phủ ra nghị quyết triển khai dự án, tháng 8 bắt đầu làm các thủ tục phê duyệt, bàn giao ranh giải phóng mặt bằng. Từ tháng 10 năm nay đến cuối năm sau, các địa phương đặt mục tiêu bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng cho dự án, trước khi hoàn thành toàn bộ vào tháng 3/2024. Việc dự án được khởi công sớm hơn dự kiến 6 tháng cho thấy sự quyết tâm thực hiện tuyến đường nhanh nhất của TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương có tuyến đường đi qua.
"Vành đai 3 quan trọng đến mức chúng ta không thể chậm hơn được nữa. Bởi liên quan đến việc khai thác nguồn lực vùng kinh tế trọng điểm. Nếu kết nối tốt về giao thông vùng, đặc biệt là kết nối hành lang công nghiệp với cảng biển sẽ kích thích, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phát triển đúng vị trí, tiềm năng; giảm chi phí kết nối cho doanh nghiệp vì hiện trạng tắc nghẽn giao thông là phí tổn quá lớn đối với doanh nghiệp; tạo điều kiện phát triển các đô thị trong vùng, tái bố trí dân cư, đô thị, giảm quá tải xe lưu thông vào trung tâm TP Hồ Chí Minh", Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nói.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh vai trò của tuyến đường Vành đai 3 trong việc tăng năng lực tự chủ cho các địa phương để phát triển giao thông vùng hiện nay đang đặt ra như vành đai 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một, TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài và một số công trình mà chúng ta chưa thực thi được. "Vành đai 3 mang tính đột phá để tiếp tục phát triển các cung đường khác. Chậm nhất đến năm 2030 có thể hoàn chỉnh hệ thống giao thông vùng trọng điểm kinh tế các tỉnh phía Nam".
Đoạn đầu cao tốc Tân Vạn ( bên trái ảnh) giao DT743A, Dĩ An, Bình Dương.
Tuyến Vành đai 3 nhằm kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Nguồn vốn đầu tư công trung hạn năm 2021 - 2025 hơn 17.000 tỉ đồng đã bố trí cho Bộ GTVT về các địa phương để thực hiện. Trong đó TP Hồ Chí Minh là 10.500 tỉ đồng, Đồng Nai là 800 tỉ đồng, Bình Dương là 4.000 tỉ đồng và Long An gần 1.500 tỉ đồng.
"Vành đai rất cần thiết cho việc giải tỏa giao thông TP Hồ Chí Minh và kết nối với các tỉnh giáp ranh. Đây là vùng kinh tế trọng điểm, mỗi năm đóng góp 42% tiền thu ngân sách nên tôi ủng hộ thực hiện càng nhanh càng tốt", PGS. TS Phạm Xuân Mai, nguyên trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông - ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh nói.
Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách trung ương và địa phương theo tỉ lệ vốn góp đầu tư. UBND TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.
Đường Vành đai 3 đi qua 4 địa phương Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Long An
Trong 2 năm kể từ khi nghị quyết được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; các gói thầu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Anh Hoàng Đình Hùng, GĐ doanh nghiệp vận tải Hoàng Lâm – tỉnh Đồng Nai chia sẻ "Tôi cảm thấy rất vui khi được biết vành đai 3 khởi công vào thời gian tới. Tuyến đường hoàn thành giúp cho doanh nghiệp tôi phần nào giảm được chi phí di chuyển. Tôi mong muốn tuyến đường sớm hoàn thành theo thời gian dự kiến".
Tài xế Ngô Trường Giang, ngụ xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết "Đoạn Mỹ Phước – Tân Vạn tuy hoàn thành đoạn ngắn nhưng có thể lưu thông trong tình trạng ổn, không xuất hiện vấn đề gì. Mong vành đai 3 hoàn thành sớm vì giúp tài xế chúng tôi lưu thông ổn định, bởi còn nhiều điểm đen kẹt xe dẫn đến trễ giờ giao hàng".
Theo kết quả khảo sát, dự án có gần 4.000 hộ trong diện bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Hiện các địa phương đã sơ bộ phương án tổ chức thực hiện công tác tái định cư theo quy định như: chuẩn bị các địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí tái định cư bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Riêng tỉnh Bình Dương, dự kiến áp dụng chính sách hỗ trợ bằng tiền để người dân tự lo nơi ở mới. TP Hồ Chí Minh dự kiến bố trí tái định cư cho gần 750 hộ, hiện đã chuẩn bị đủ số lượng nền, căn hộ bố trí tái định cư cho người dân. Giá bồi thường, bố trí nền tái định cư được tính toán kỹ lưỡng trên quy tắc "chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ", bảo đảm sinh kế cho người dân khi nhường mặt bằng cho dự án đi qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!