Đường về của người được đặc xá: Hành trình tìm lại cuộc sống

Nguyễn Ngân, Trọng Đức, Quang Linh, Việt Hải, Văn Lương-Thứ ba, ngày 01/10/2024 22:07 GMT+7

VTV.vn - Những người được đặc xá tại trại giam Ninh Khánh trở về nhà với tấm thẻ căn cước mới, hy vọng bắt đầu cuộc sống mới, trân trọng hơn những điều lương thiện.

Hôm nay, những người được đặc xá tại trại giam Ninh Khánh, Ninh Bình, đã chuẩn bị cho hành trình trở về nhà với tấm thẻ căn cước mới. Họ không chỉ được trao quyền công dân đầy đủ mà còn có cơ hội vay vốn và tìm việc làm để bắt đầu cuộc sống mới.

Đêm cuối cùng trong buồng giam, anh Đỗ Văn Chính, người đã trải qua ba năm trong trại, không thể chợp mắt. Anh sắp được trở về sau hơn hai năm cải tạo. "Một hành trình dài, sau bao ngày cố gắng, đã có kết quả. Mai được về rồi…" - anh chia sẻ.

Cổng trại giam Ninh Khánh hôm nay đông đúc những người thân đang chờ đợi. Khoảnh khắc bước ra khỏi cánh cổng, họ sẽ bắt đầu đoạn đường đầu tiên về nhà, dù chặng đường tiếp theo có thể gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực vươn lên và mong muốn hướng thiện, họ sẽ có thể làm được.

Có những đứa con đếm từng ngày chờ bố về, như cô con gái của anh Chính, hôm nay đã có mặt để đón cha. Ngôi nhà nhỏ của anh từ hôm nay sẽ lại đoàn tụ với bốn người.

Ngày mai, anh Chính sẽ đưa con đến trường. Anh và những người được đặc xá hôm nay hiểu rõ giá trị của cuộc sống và những điều lương thiện hơn bao giờ hết. Họ đã sẵn sàng cho một khởi đầu mới, một cuộc sống mới.

Đường về của người được đặc xá: Hành trình tìm lại cuộc sống - Ảnh 1.

Anh Đỗ Văn Chính, một trong những phạm nhận được ân xá.

Việc làm cho người chấp hành xong án tù

Cùng với việc được đặc xá, nhiều người chấp hành xong án tù còn được hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ trong hơn 10 tháng, hơn 7.500 người đã vay gần 620 tỷ đồng từ nguồn vốn chính sách xã hội, giúp họ tạo việc làm và khôi phục cuộc sống.

Tại xã Ngọc Liên, Thanh Hóa, anh Phạm Thúc Quảng đã nhận 50 triệu đồng để chăn nuôi. Dù gặp nhiều khó khăn và mặc cảm, anh quyết tâm làm việc chăm chỉ để xóa bỏ nghi kị. Tương tự, anh Nguyễn Công Thiệp ở Nghệ An đã vay 100 triệu đồng để nuôi dê, tự tay dựng trại với mong muốn tái hòa nhập cộng đồng.

Nhiều địa phương như Thanh Hóa và Nghệ An đã dành hàng tỷ đồng để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt, tạo điều kiện cho họ tái lập cuộc sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước