Fanpage "tư vấn pháp luật" mạo danh VTV Online đăng tin giả, có dấu hiệu lừa đảo

Phùng Anh-Thứ bảy, ngày 01/06/2024 11:47 GMT+7

VTV.vn - Fanpage "Thư Viện Phát Luật / Tư Vấn Pháp Luật Trực Tuyến" đã sử dụng giao diện VTV Online đăng tải thông tin sai sự thật, có dấu hiệu của hành vi lừa đảo.

Dùng hình ảnh VTV Online đăng tải thông tin sai sự thật

Theo thông tin phản ánh của người dân, gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một trang Fanpage có tên "Thư Viện Phát Luật / Tư Vấn Pháp Luật Trực Tuyến" đăng tải một hình ảnh với giao diện Báo điện tử VTV (VTV Online) có nội dung đi kèm như sau:

"Theo VTV Online . Ngày 5/1 BCA yêu cầu cục phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ và các ngân hàng . Ngăn chặn dòng tiền của các dối tượng lừa đảo và xác minh hoàn lại số tiền bị chếm đoạt trái phép . để hoàn lại cho người dân . Yêu cầu ai là nạn nhân bị các đối tượng trên . Xin liên hệ trực tiếp tói số Hotline đường dây nóng : 0948.304.750 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời".

Fanpage tư vấn pháp luật mạo danh VTV Online đăng tin giả, có dấu hiệu lừa đảo - Ảnh 1.

Nội dung được đăng tải trên Fanpage "Thư Viện Phát Luật / Tư Vấn Pháp Luật Trực Tuyến".

Theo thông tin có trên bức ảnh, bài viết được thực hiện bởi phóng viên Quang Hải và xuất bản vào lúc 0h05 ngày 14/4/2024 với tiêu đề: "Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao A05. Công bố số hotline Đường dây nóng: 0948.304.750. Tiếp nhận đơn tố cáo của các nạn nhân bị lừa đảo qua không gian mạng".

Nội dung của bài viết như một trích dẫn thông tin của lãnh đạo Bộ công an cung cấp cho VTV.vn: "Yêu cầu phòng A05 phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ như công ty luật và các ngân hàng ngăn chặn dòng tiền của các đối tượng để hoàn trả lại cho người bị hại".

Thời báo VTV khẳng định, đây là tin giả, không phải bài viết được đăng tải trên VTV Online.

Phóng viên Quang Hải hiện đang là phóng viên Khối Chuyên Đề - Khoa Giáo của Thời báo VTV lên tiếng xác minh: "Tôi không hề được lãnh đạo Thời báo VTV giao cho viết bài về nội dung như trên, tôi là phóng viên theo dõi mảng Giáo Dục - Du Lịch, vậy nên những thông tin về Bộ công an không nằm trong phân công nhiệm vụ mà tôi được giao. Có thể thấy trang Fanpage "Thư Viện Phát Luật / Tư Vấn Pháp Luật Trực Tuyến" đang có dấu hiệu giả mạo báo điện tử VTV Online, tôi không hiểu trang Fanpage này làm vậy với mục đích gì, nội dung đăng tải trên trang Fanpage hoàn toàn sai sự thật, điều đó sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của tôi".

Tư vấn "lấy lại tiền" sau khi bị lừa đảo

Dựa vào thông tin đăng tải trên bài viết, phóng viên Thời báo VTV đã vào vai một người đang bị lừa tiền qua mạng xã hội, gọi điện vào số điện thoại đường dây nóng: 0948.304.750 được nhắc đến trong bài viết.

Fanpage tư vấn pháp luật mạo danh VTV Online đăng tin giả, có dấu hiệu lừa đảo - Ảnh 2.

Khi phóng viên Thời báo VTV gọi điện vào số đường dây nóng được nêu ở trên. Người đàn ông nghe máy tự xưng là cán bộ Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao A05.

Khi đầu dây bên kia nghe máy, có một người đàn ông tự xưng là cán bộ của Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao A05, người này không nói họ tên, chức vụ mà chỉ hỏi phóng viên về tình trạng mà phóng viên đang gặp phải. Sau khi trình bày rằng phóng viên đã đăng ký một cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí cho con và đang có dấu hiệu bị lừa đảo số tiền 135 triệu đồng, người đàn ông này lập tức khẳng định phóng viên đã bị tổ chức lừa đảo qua không gian mạng chiếm đoạt số tiền kể trên, người này nói phóng viên chờ sau 10 phút sẽ có người của công ty luật gọi điện tư vấn làm thủ tục để lấy lại số tiền của mình.

Đúng như lời của người đàn ông kia, chỉ hơn 5 phút sau đó, số điện thoại 05288221224 gọi đến số máy của phóng viên, người này giới thiệu là Duy Anh, hiện đang công tác tại công ty Luật Trí Minh, có trụ sở tại tòa nhà Vimedimex 246 Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Duy Anh một lần nữa hỏi lại phóng viên về vấn đề mà phóng viên đang gặp phải, sau đó Duy Anh khẳng định phóng viên đang bị tổ chức này lừa đảo. Duy Anh tiếp tục đưa ra một thông tin bí mật cho phóng viên biết, vào hồi tháng 3/2024 Bộ công an đã thực hiện truy quét tội phạm lừa đảo công nghệ cao, thu hồi một số tiền lớn và số tiền này đang được "đóng băng" trên hệ thống liên ngân hàng. Hiện tại Bộ công an đang tiến hành hoàn trả lại số tiền này cho những nạn nhân bị lừa đảo.

Fanpage tư vấn pháp luật mạo danh VTV Online đăng tin giả, có dấu hiệu lừa đảo - Ảnh 3.

Duy Anh giới thiệu mình là nhân viên công ty Luật Trí Minh.

Theo như Duy Anh nói chỉ cần phóng viên cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, lịch sử chuyển tiền cho ban tổ chức cuộc thi thì Duy Anh sẽ tiến hành kiểm tra xem phóng viên có đúng là nạn nhân bị lừa đảo, cùng với đó truy cập vào hệ thống "liên ngân hàng" xác minh được chính xác số tiền phóng viên chuyển di và số dư đang bị đóng băng trên hệ thống khớp với nhau thì sẽ tiến hành mở băng cho phóng viên nhận tiền về ngay lập tức. Sau khi nhận được tiền về tài khoản, phóng viên sẽ chỉ phải thanh toán là 5% số tiền nhận về tài khoản (khoảng hơn 6 triệu đồng) và cam kết nếu không nhận được tiền thì sẽ không mất phí.

Fanpage tư vấn pháp luật mạo danh VTV Online đăng tin giả, có dấu hiệu lừa đảo - Ảnh 4.
Fanpage tư vấn pháp luật mạo danh VTV Online đăng tin giả, có dấu hiệu lừa đảo - Ảnh 5.

Duy Anh nói rằng sẽ giúp phóng viên kiểm tra hệ thống liên ngân hàng để xác minh xem có đúng số tiền mà phóng viên bị lửa đảo nằm trong đợt truy quét tội phạm công nghệ cao hồi tháng 3/2024 của Bộ công an.

Cần cẩn trọng với thông tin "phi lý", vô căn cứ

Qua những lời dẫn dắt của Duy Anh, phóng viên Thời báo VTV đã nhận ra nhiều điểm bất thường của người tự xưng là nhân viên của công ty Luật Trí Minh này, liệu rằng sau khi thông tin cá nhân bị lộ, cùng với số tài khoản ngân hàng, biên lai lịch sử giao dịch thì những người này sẽ sử dụng những thông tin đó vào mục đích gì. Đã có rất nhiều vụ việc lừa đảo với hình thức tư vấn nhận lại tiền như thế này khiến cho những người đã mất tiền "của đau, con xót" lại càng thêm phần buồn khổ hơn.

Thông tin về số tiền thu hồi được sau đợt truy quét tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an đang được "đóng băng" trên hệ thống liên ngân hàng là rất "phi lý", không có căn cứ xác thực. Đây là chiêu trò đánh vào tâm lý của những người "nhẹ dạ, cả tin", "nóng vội" muốn tìm lại tài sản của mình sau khi bị lừa đảo, nếu như mất cảnh giác, rất có thể sẽ bị rơi vào "bẫy" thêm một lần nữa.

Thời gian qua, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết cũng phát hiện trên không gian mạng xuất hiện nhiều trang Fanpage và hội, nhóm tự xưng là "cán bộ Cục An ninh mạng" và Công an một số đơn vị, địa phương đăng tải bài viết để hỗ trợ các nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo do tham gia hoạt động theo lời dụ dỗ của các đối tượng tội phạm công nghệ cao. Bản chất hoạt động của các đối tượng này là lợi dụng lòng tin của nạn nhân muốn sớm lấy lại tài sản sau khi bị lừa đảo, chiếm đoạt trên mạng nhưng thực tế các đối tượng sẽ tiếp tục dụ dỗ, lừa tiền của các bị hại. Vấn đề này đã thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng mạng, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân nói chung và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã, đang tiến hành rà soát, xác minh, truy tìm đối tượng có hoạt động mạo danh Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an các đơn vị, địa phương để đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành chặn, lọc, vô hiệu hóa các đường link, tài khoản giả mạo trên không gian mạng.

Dùng hình ảnh VTV Online đăng tải thông tin sai sự thật là vi phạm pháp luật

Trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức giả mạo hình ảnh, thương hiệu của VTV nhằm mục đích lửa đảo, làm ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu Đài Truyền hình quốc gia.

Việc mạo danh hình ảnh, thương hiệu của Đài truyền hình Việt Nam có vi phạm pháp luật hay không, về vấn đề này phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trung Thị Kim Anh - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

z5496662454668_6d70b24991b3e6a1fa4da3f838a42b14.jpg

Luật sư Trung Thị Kim Anh - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Luật sư Kim Anh cho biết, việc mạo danh, giả mạo cá nhân, tổ chức để lừa đảo hoặc thực hiện các giao dịch dân sự, hành chính là hành vi vi phạm pháp luật và bị pháp luật ngăn cấm.Với mỗi trường hợp mạo danh khác nhau, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về các tội phạm khác nhau và chịu mức phạt khác nhau tương ứng. Cụ thể: Mạo danh người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Với trường hợp mạo danh người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường được thực hiện qua các thủ đoạn như: Đánh cắp thông tin giấy tờ tùy thân để làm thủ tục vay nợ qua app; mạo danh Công an, Viện kiểm sát,… để yêu cầu nạn nhân nộp tiền; mạo danh nhân viên bưu điện để yêu cầu đóng phí cước,…

Hành vi mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp pháp luật quy định có thể bị xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Theo đó, mức phạt thấp nhất của tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm. Mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước