Gần 2.000 ngư dân ký cam kết phòng chống dịch COVID-19 trên vùng biển Tây Nam

Ngọc Tiên – Vũ Hoàn-Thứ sáu, ngày 14/05/2021 19:46 GMT+7

Ngư dân ký cam kết ngăn chặn người nhập cảnh trái phép.

VTV.vn - Ngày 14/5, hàng loạt ngư dân đã ký cam kết cùng BĐBP Sông Đốc, tỉnh Cà Mau về việc phòng chống dịch COVID-19, ngăn chặn nhập cảnh trái phép trên vùng biển Tây Nam.

Hiện nay, việc tiếp tay cho các đối tượng nhập cảnh trái phép từ các chủ ghe tàu thông qua các tuyến biên giới biển vẫn đang tiếp tục diễn ra. Ngoài vai trò thắt chặt an ninh vùng biên giới biển của lực lượng chức năng thì ý thức tố giác, ngăn chặn đối tượng nhập cảnh trên biển đến từ các chủ ghe tàu là điều rất cần thiết trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Gần 2.000 ngư dân ký cam kết phòng chống dịch COVID-19 trên vùng biển Tây Nam - Ảnh 1.

Nội dung bản ký kết ngăn chặn người nhập cảnh trái phép trên vùng biển.

Theo chia sẻ từ Đại úy Lê Thành Út - Phó Đồn trưởng đồn Biên Phòng Sông Đốc - Cà Mau, thủ đoạn mới của các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép hiện nay là chia nhỏ số người, lợi dụng mối quan hệ giữa các tàu cá với nhau để gửi từ 1 - 2 người lên tàu chứ không tổ chức theo nhóm đông người như trước.

Gần 2.000 ngư dân ký cam kết phòng chống dịch COVID-19 trên vùng biển Tây Nam - Ảnh 2.

Đại úy Lê Thành Út - Phó đồn trưởng đồn Biên Phòng Sông Đốc trực tiếp chỉ đạo công tác.

Cụ thể, một số nhóm người Việt Nam ở Malaysia lập nhiều tài khoản Facebook kêu gọi người dân nhập cảnh trái phép về Việt Nam với giá từ 25-30 triệu đồng/người. Sau khi đưa các tàu cập bến tại vùng biển Việt Nam, các đối tượng đã kết nối cùng người thân và gia đình đưa ghe tàu ra đón. Ngoài ra, các ghe tàu cá chở người nhập cảnh trái phép thường di chuyển vào buổi tối hoặc rạng sáng và móc nối liên hệ giữa các chủ ghe khác để trốn tránh sự rà soát an ninh, khiến cho công tác phát hiện, truy vết các đối tượng của lực lượng biên phòng trở nên khó khăn hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, Đại uý Trần Thanh Ngoan - Chính trị viên đồn Biên phòng Sông Đốc - Cà Mau cho biết: "Chúng tôi đã lập 6 chốt tăng cường rà soát trên các địa bàn quản lí và 2 trạm kiểm soát tuyến biên giới bao gồm trạm kiểm soát Biên phòng Sông Đốc và Trạm kiểm soát Biên phòng Đá Bạc. Mỗi đêm sẽ có 2 tổ công tác, mỗi tổ 4 đồng chí và kết hợp với lực công an, quân sự và dân quân tự vệ của các xã, biên giới ven biển tăng cường rà soát, kiểm tra từ 19 giờ tối đến 7h sáng hôm sau".

Trên tuyến biên giới đường biển, ngoài việc lập các tổ chốt tuần tra cơ động gồm các chiến sĩ của các lực lượng, Bộ đội biên phòng Sông Đốc còn thành lập tổ thuyền an toàn để cập nhật thông tin, tình hình và theo dõi các tàu cá trên biển khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ có người nhập cảnh trái phép.

Gần 2.000 ngư dân ký cam kết phòng chống dịch COVID-19 trên vùng biển Tây Nam - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cho các ngư dân.

Tổ công tác đã đến tận nhà thông tin tuyên truyền ngăn chặn hoạt động vượt biên, nhập cư trái phép theo đường biên giới biển cho 400 hộ gia đình. Gần 2000 chủ ghe tàu chuyên đánh bắt ở vùng biển giáp ranh Thái lan, Malaysia và Indonesia ký cam kết không tổ chức đưa đón, môi giới, tiếp tay, bao che các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.

Ông Nguyễn Đức Nam, một trong số các chủ ghe ký bản cam kết cho hay: "Ban đầu tôi cũng thấy áp lực và khó chịu khi mang khẩu trang làm việc. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh phức tạp thế này, vì sức khoẻ cho gia đình, con em cũng như cộng đồng tôi thấy bản thân mình cũng phải có một phần trách nhiệm trong việc tố giác, ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép ở vùng biển".

Theo đó, bản cam kết ngoài việc yêu cầu thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ y tế, các ngư dân cần phải nghiêm túc thực hiện "3 Không": Không xuất nhập cảnh trái phép; Không bao che tiếp tay cho xuất nhập cảnh trái phép; Không tổ chức đưa đón, môi giới xuất nhập cảnh trái phép.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước