Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 803.202 ca mắc COVID-19, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.160 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 798.626 ca, trong đó có 659.759 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 12/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nam Định.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (395.052), Bình Dương (214.360), Đồng Nai (49.839), Long An (32.682), Tiền Giang (14.107).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 28.857 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 664.938
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.337 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.277
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.089
- Thở máy không xâm lấn: 240
- Thở máy xâm lấn: 805
- ECMO: 25
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 183.154 xét nghiệm cho 374.419 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 18.876.491 mẫu cho 53.721.020 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 43.658.818 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 33.532.395 liều, tiêm mũi 2 là 10.126.423 liều
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 3/10 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 235.375.431 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.810.577 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 330.806 và 5.411 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 212.130.097 người, 18.434.757 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 87.706 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 43.266 ca nhiễm mới; tiếp theo là Anh (30.301) và Thổ Nhĩ Kỳ (27.973 ca). Trong khi đó, Nga liên tiếp đứng đầu về số ca tử vong mới với 886 người chết; tiếp theo là Mỹ (668 ca) và Mexico (471 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 44.487.681 người, trong đó có 719.652 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.812.523 ca nhiễm, bao gồm 448.844 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.459.117 ca bệnh và 597.723 ca tử vong.
Mỹ trao tặng Việt Nam thêm 1,5 triệu liều vaccine Pfizer
1.499.940 liều vaccine Pfizer do Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX về tới sân bay Nội Bài. Đây là lô vaccine mới tiếp nối 3 đợt trao tặng trước đó Mỹ dành cho Việt Nam.
Theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, lô vaccine được bàn giao thông qua cơ chế COVAX, được vận chuyển trực tiếp từ nhà máy của Pfizer tại thành phố Kalamazoo, bang Michigan của Mỹ đến sân bay Nội Bài, Hà Nội vào tối 2/10.
Ngoài việc trao tặng 7,5 triệu liều vaccine (3 đợt hỗ trợ trước đã bàn giao 6 triệu liều vaccine của Moderna và Pfizer) kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Mỹ đã cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 26,7 triệu USD nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch.
Bộ Y tế thanh kiểm tra cơ sở cung cấp giá các loại kit xét nghiệm
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào chiều tối 2/10, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn xét nghiệm để đơn vị đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm cho người dân và doanh nghiệp, đối tượng nào doanh nghiệp được ưu tiên xét nghiệm, gộp mẫu xét nghiệm.
Về lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế có các văn bản hướng dẫn mẫu xét nghiệm PCR bằng cách gộp 5-10-15 mẫu, test nhanh kháng nguyên gộp 3-5 mẫu trong 1 ống để vừa phát hiện hiệu quả nhanh và giảm chi phí về kinh tế.
Thời gian qua, Bộ Y tế yêu cầu đơn vị cung ứng xét nghiệm đảm bảo công khai minh bạch tạo điều kiện cho đơn vị tiếp cận và đến nay cấp phép 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2 (trong đó 35 PCR và 62 test kháng nguyên).
"Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị cung cấp sinh phẩm xét nghiệm cập nhật công khai giá đảm bảo minh bạch, tạo ra cạnh tranh lành mạnh. Bộ có nhiều Công điện, văn bản chỉ đạo nghiêm cấm tăng giá sinh phẩm và trục lợi vấn đề này; chỉ đạo Sở Y tế, thanh kiểm tra giám sát cơ sở kit xét nghiệm để xử lý nghiêm vi phạm," Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Bình Dương: Người và phương tiện ở vùng xanh lưu thông bình thường; vùng đỏ lưu thông trong nội bộ
Chiều 2/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị thông tin về kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.
Theo đó, tỉnh Bình Dương thực hiện thu hẹp, kiểm soát chặt "vùng đỏ"; từng bước nới lỏng theo hướng "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn", "An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn".
Cụ thể, giữa các huyện thuộc vùng xanh (Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên), người và phương tiện giao thông lưu thông bình thường; TP Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát, lưu thông liên phường trong nội bộ của từng địa bàn, riêng TP Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên, trước mắt người dân lưu thông từ phạm vi nội bộ khu phố, đến liên khu phố, đến phường, đến liên phường và tùy diễn biến dịch.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ở cơ sở quyết định phương án lưu thông mở rộng phạm vi di chuyển... với các điều kiện tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như: 5K, quét QR Code tại các điểm đến, giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông (F0 khỏi bệnh, đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc 1 mũi ít nhất 14 ngày.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết hiện tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, nới lỏng giãn cách và từng bước phục hồi nền kinh tế - xã hội. Các chỉ số phục hồi kinh tế của tỉnh đang có nhiều khả quan, các công trình xây dựng, nhà máy trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ từ ngày 2/10 và đang thiếu hụt lao động.
Do đó, người lao động hãy ở lại Bình Dương làm việc, được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19, tiếp cận việc làm, có thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần giữ vững chuỗi cung ứng sản xuất, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tính đến hết ngày 2/10, Bình Dương ghi nhận 214.360 ca mắc COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!