Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu xác định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (gọi tắt là IUU) là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản. Trong Chỉ thị, Ban Bí thư nêu rõ, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ. Một chương trình hành động để thực hiện Chỉ thị đang được các tỉnh, thành ủy của 28 tỉnh, thành ven biển triển khai.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Định đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên 3.200 tàu cá xa bờ, đồng thời tập trung cao độ quản lý 455 tàu cá hoạt động ở khu vực phía nam. Công tác này được thực hiện với quyết tâm cao, không để xảy ra vi phạm IUU. Thị trấn Cát Tiên cũng đã giao cho mỗi đảng viên quản lý một tàu cá có nguy cơ cao vi phạm, đồng thời đưa ra biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với vi phạm lãnh hải.
Từ năm 2023 đến nay, 28 tỉnh ven biển đã xử phạt trên 90 tỷ đồng đối với các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Trong đó tỉnh Kiên Giang đã truy tố, xét xử 1 vụ với hình thức xử phạt tịch thu tàu cá vi phạm, tạo sự răn đe chung. Khi tất cả ngư dân đồng lòng nói không với khai thác IUU thì đó chính là tiền đề để xây dựng kinh tế thủy sản bền vững ở cả 3 trụ cột là khai thác, nuôi trồng và bảo tồn biển
Theo Bô NN&PTNT, 28 tỉnh ven biển phải là một thể thống nhất, cùng phối hợp để quản lý tốt tàu cá. Trong tháng 4 phải xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm; giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác, qua đó hoàn thành mục tiêu gỡ cảnh báo "thẻ vàng" trong lần kiểm tra thứ 5 sắp tới của EC.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!