Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố với thế giới về một nước Việt Nam mới - nước Việt Nam độc lập.
Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo vào ngày 28/8/1945, trên tầng 2 của một tòa nhà nằm trên phố Hàng Ngang. Ngôi nhà thuộc sở hữu của nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ - một gia đình doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội.
Một số hình ảnh về gia đình ông Trịnh Văn Bô được giới thiệu tại tầng 1 của ngôi nhà.
Trong những ngày đầu Cách mạng tháng tám 1945, ngôi nhà là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại; về thể chế và thành phần của Chính phủ lâm thời; về tổ chức ngày Lễ Độc lập…
Căn phòng trên tầng 2 là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Trung ương Đảng làm việc từ ngày 25/08 đến ngày 2/9/1945.
Chiếc bàn này là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng thông qua 3 nội dung: Tuyên ngôn độc lập, Tổ chức Lễ Quốc khánh và Thành phần Chính phủ lâm thời.
Tại căn phòng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành toàn bộ tâm lực, trí tuệ và bản lĩnh để khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Chiếc bàn lịch sử nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập.
Căn phòng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón khách.
Một số hình ảnh và hiện vật được trưng bày bên trong ngôi nhà:
Bản Tuyên ngôn độc lập được đóng khung, lồng kính, treo trang trọng trên bức tường tầng 1 của căn nhà.
Bộ quần áo kaki Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/09/1945, được may từ vải của cửa hiệu Phúc Lợi (số 48 Hàng Ngang).
Chiếc vali mây Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang.
Hình ảnh chiếc giường nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nghỉ ngơi trong những ngày ở và làm việc tại số nhà 48 Hàng Ngang. Hiện chiếc giường đang được gia đình ông Trịnh Văn Bô giữ gìn như một kỷ vật vô giá.
Chiếc bàn đánh máy chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những khi làm việc quá khuya không kịp về cơ sở, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nằm ngủ tại đây.
Năm 1979, Nhà số 48 Hàng Ngang đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!