Giả mạo, thổi phồng và đòn tâm lý của dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ

Nhóm phóng viên VTV Digital-Thứ ba, ngày 13/06/2023 20:53 GMT+7

VTV.vn - Sở hữu kỳ nghỉ vốn được kỳ vọng mang đến nhiều lợi ích cho người dùng, nhưng nay lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Du lịch đang bùng nổ sau quãng thời gian nén lại vì COVID-19. Đánh vào nhu cầu này, một số đơn vị còn chủ động gọi điện cho khách hàng với những lời mời hấp dẫn, ví dụ như nhận phiếu du lịch miễn phí. Khi khách hàng tin mình là người may mắn tự dưng nhận được món hời, những nước đi tiếp theo của đơn vị mời chào có thể khiến khách hàng vui vẻ bỏ ra vài trăm triệu đồng, để nhận về thứ mình không thật sự hiểu rõ, mang tên: Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.

Mỗi công ty đều có lời mời gọi khác nhau, nhưng để vào sự kiện, người tham gia buộc phải có tên trong danh sách khách mời, kèm căn cước cá nhân để chứng minh danh tính. Đối tượng khách hàng cũng được định rõ.

"Thực tế thẻ bên em ở đây đang có một vấn đề là kén khách. Dòng khách ở đây là dòng thượng lưu. Đây là chương trình cho khách mời cải thiện chất lượng đời sống", nhân viên của một công ty nói.

Để phô trương thanh thế, các doanh nghiệp đều tự nhận mình là đơn vị đứng đầu.

Giả mạo, thổi phồng và đòn tâm lý của dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ - Ảnh 1.

Món hời quá lớn, còn ít cơ hội để nhận, nhiều người đã nhanh tay ký vào bản hợp đồng lên tới hàng chục trang nhưng không kịp tìm hiểu.

"Chúng tôi tự hào là một trong những tập đoàn hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực du lịch theo định hướng du lịch bền vững. Holidays Việt Nam tự hào là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực du lịch với hơn 15 năm trong lĩnh vực trao đổi kỳ nghỉ", một công ty đưa ra lời quảng cáo.

15 năm kinh nghiệm chỉ là quảng cáo, vì thực chất đơn vị này mới chỉ hoạt động 2 năm. Nói dối là bởi họ cần uy tín để bán những gói dịch vụ lên đến vài trăm triệu đồng.

"Việc chị ngồi đây, là do chị là khách mời nhân sự kiện 26 năm thương hiệu Movenpick 5 sao về Việt Nam ạ. Đồng hành thì có 3 đối tác lớn tài trợ từ Vietnam Airlines, thứ hai là MB - Ngân hàng Quân đội, và Sacombank - Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. Em gọi đây là tài trợ về tín chấp, tài trợ dòng tiền", nhân viên của một công ty nói.

Phóng viên đã liên hệ với các đơn vị mà doanh nghiệp tự nhận là có hợp tác, đều nhận được lời khẳng định là họ không có bất kỳ sự liên kết hay tài trợ nào như lời quảng cáo kia. Tuy nhiên tất cả khách hàng đều không biết sự thật này.

Chiêu bài tâm lý lại tiếp tục được đưa ra và lần này là đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng.

Tại một doanh nghiệp khác, từ chi phí ban đầu là 210 triệu đồng cho gói nghỉ dưỡng trong vòng 10 năm, họ cũng sẵn sàng giảm giá tới 40% cho khách hàng tham dự sự kiện.

Món hời quá lớn, còn ít cơ hội để nhận, nhiều người đã nhanh tay ký vào bản hợp đồng lên tới hàng chục trang nhưng không kịp tìm hiểu. Tổng cục Du lịch và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia mới đây cũng đã lên tiếng để cảnh báo người dân về tính rủi ro khi ký kết các bản hợp đồng của dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ.

"Mấy năm gần đây, thị trường đã chứng kiến không ít phản ánh của người dân về việc quyền lợi của họ trong những trường hợp sử dụng dịch vụ trên thực tế, không được đúng như bên cung cấp dịch vụ cam kết hoặc quảng cáo. Tại sự kiện đấy, việc người ta cung cấp một lượng thông tin quá tải về mặt ưu điểm sẽ làm hạn chế người tiêu dùng trong việc đánh giá được về mặt rủi ro. Người tiêu dùng có thể sẽ bị cuốn theo thông tin một chiều do bên cung cấp thông tin dịch vụ đưa ra", bà Trần Diệu Loan, Trưởng Ban Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, cho biết.

Tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ” Tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ”

VTV.vn - Tổng cục Du lịch ban hành văn bản số 906/TCDL-KS gửi Sở quản lý du lịch các tỉnh, TP về việc tuyên truyền tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước