Việc giá vé máy bay tăng cao và khan hiếm cục bộ ở một số chặng ngay trước đợt cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã gây ra nhiều biến động cho thị trường, từ doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch, cho tới nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân.
Thường xuyên đi lại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và miền Trung, chị Hà Thị Uyên Thy cho biết gần đây đã phải thay đổi hoàn toàn phương tiện di chuyển.
"Bình thường tôi thường đi máy bay nhưng giờ giá vé lên tới 1,8 - 2 triệu đồng thì quá cao, vé tàu có mấy trăm ngàn nên tôi phải chọn giải pháp kinh tế hơn", chị Thy cho hay.
Không riêng chị Thy, nhiều hành khách cũng lựa chọn tương tự. Đại diện Công ty vận tải hành khách Sài Gòn đánh giá, đây là cơ hội của ngành đường sắt trong giai đoạn hè năm nay.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh vận tải hành khách Sài Gòn cho biết: "Nếu được nghỉ 5 ngày thì đợt lễ sắp tới chắc chắn hành khách sẽ tăng. Chúng tôi đã có kế hoạch tăng thêm tàu để phục vụ tối đa nhu cầu hành khách".
Với ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết đang tìm cách đa dạng hóa các tour tuyến, khai thác nhiều loại phương tiện như đường bộ, đường thủy để giảm chi phí. Biến động của ngành này, có thể là cơ hội cho ngành khác.
Việc một bộ phận người dân chuyển từ hàng không sang đường bộ hoặc đường sắt chưa hẳn đã xấu. Nhưng nếu giá vé nội địa tăng cao so với giá vé quốc tế như hiện nay thì lại là chuyện khác. Nhiều người cho biết, thà đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc còn hơn đi Phú Quốc, Nha Trang vì hiện giá vé máy bay xấp xỉ nhau, thậm chí, bay nội địa còn đắt hơn đi một số nước ASEAN.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!