Giải pháp nào để đảm bảo an toàn hồ thủy điện, giảm thiểu rủi ro lũ lụt?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 11/09/2024 10:39 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, mực nước tại các hồ thủy điện lớn đang có nhiều biến động, đặt ra thách thức trong việc điều tiết nước và đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Chiều 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái. Trong công điện, Thủ tướng nhấn mạnh, hiện mực nước thượng lưu hồ thủy điện Thác Bà đang ở mức rất cao, lưu lượng đến hồ vượt quá khả năng xả lũ, thiết kế của hồ và để đảm bảo an toàn cho hồ thủy điện Thác Bà. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo và các cơ quan chức năng của địa phương rà soát và triển khai thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu dòng chảy về hồ thủy điện Thác Bà.

Đối với các hồ thủy điện khác ở phía Bắc, đến trưa nay, hồ thủy điện Hòa Bình đóng một cửa xả đáy hồ thủy điện, Tuyên Quang đóng tiếp một cửa xả đáy. Qua báo cáo nhanh, tình hình các hồ chứa ở phía Bắc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến cuối giờ chiều nay, mưa trên các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Bản Chát, Hội Quảng, Lai Châu diễn ra với cường độ nhỏ hơn buổi sáng nên lưu lượng nước về hồ có dấu hiệu giảm. Qua đánh giá về lưu lượng đến hồ so với tổng lưu lượng xả, hồ thủy điện Tuyên Quang đang có tổng lưu lượng xả cao hơn lưu lượng đến còn lại, các hồ thủy điện khác có lưu lượng xả đang được đảm bảo để điều tiết. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

"Đến thời điểm hiện nay, trong bối cảnh khu vực phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Do hoàn lưu bão số 3, các hồ có dung tích lớn ở phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Bản Chát,… đang tham gia phòng, chống và giảm chậm lũ một cách tích cực và chủ động. Tôi có thể dẫn chứng ra một số thông tin như: huyện Hòa Bình ngày hôm qua đang mở hai cửa xả sâu, đến trưa nay đã đóng một cửa và chỉ còn mở một cửa để tham gia chống lũ cho đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, hồ Hòa Bình có khoảng 1,1 tỷ dung tích để chống lũ cho khu vực Hà Nội. Thứ hai, hồ thủy điện Sơn La hiện nay không xả lũ mà chỉ phát điện và hồ thủy điện Sơn La vẫn còn khoảng 518 triệu m3 nữa để chống lũ. Đối với thủy điện Tuyên Quang, đến 17h chiều hôm nay, hồ Tuyên Quang vẫn đang phải xả cao hơn mức lưu lượng đến và hiện tại hồ chỉ còn khoảng 118 triệu dung tích hữu ích để chống lũ cho hạ du. Riêng thủy điện Thác Bà, hiện nay hồ đang ở mức gần mực nước lũ là khoảng 59,62m, cao hơn một nước dâng bình thường. Đối với Thác Bà, kịch bản nghiên cứu về khả năng thoát lũ đang được các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu. Có thể nói rằng, những công trình thủy điện lớn hiện nay đang ở thời kì lũ muộn theo quy trình vận hành viên hồ chứa ở lưu vực sông Hồng", ông Phạm Nguyễn Hùng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương cho biết.

Giải pháp nào để đảm bảo an toàn hồ thủy điện, giảm thiểu rủi ro lũ lụt? - Ảnh 1.

Lưu lượng xả lũ của các hồ thủy điện

"Những lưu ý cho khu vực hạ du là yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty thủy điện, quản lý vận hành thủy điện phải đảm bảo vận hành nghiêm theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa và các quy trình, sơ đồ đã được phê duyệt. Đồng thời, trong quá trình trước khi xả lũ, các công ty thủy điện cần phối hợp với chính quyền địa phương thông báo kịp thời thông tin về xả lũ để chính quyền địa phương và người dân có biện pháp chủ động ứng phó và di dời tài sản, con người, thiết bị để đảm bảo an toàn", Giáo sư Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết.

Giải pháp nào để đảm bảo an toàn hồ thủy điện, giảm thiểu rủi ro lũ lụt? - Ảnh 2.

Hồ chứa thủy điện có vai trò quan trọng trong bảo đảm an toàn công trình phòng, chống lũ lụt, cấp nước cho vùng hạ du. Trong trường hợp mưa, lũ lớn xảy ra như hiện nay, việc đảm bảo vận hành mỗi hồ chứa và liên hồ chứa có vai trò rất quan trọng giúp điều tiết và giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du. Đặc biệt, các hồ chứa có dung tích phòng lũ lớn, có khả năng chứa các trận lũ thường xuyên xảy ra. Trường hợp vận hành bình thường chỉ có các hồ thủy điện như Sơn La, Hòa Bình và Tuyên Quang mới có dung tích phòng lũ.

Cũng theo G.S Nguyễn Quốc Dũng, giải pháp quan trọng nhất lúc này để không xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du là phải vận hành hồ chứa theo đúng quy trình đã được phê duyệt. Thứ hai, phải tăng cường quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành. Thứ ba, phải kích hoạt phương án ứng phó tình huống khẩn cấp ở hạ du, tức là cơ quan, nhân dân vùng hạ du bắt đầu phải sơ tán.

"Trong vận hành hồ chứa, quy trình vận hành của các hồ lớn đều có các giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn đầu tiên của mùa lũ, chúng ta phải giảm mực nước hồ để đón lũ. Giai đoạn hai là chính vụ lũ, chúng ta bắt đầu điều tiết lũ. Giai đoạn thứ ba, lũ tiếp tục lên, chúng ta phải vận hành an toàn trong công trình. Giai đoạn thứ tư, nếu tình huống vượt quá khả năng chống đỡ công trình, chúng ta phải ban bố tình huống khẩn cấp. Vận hành hồ chứa bao gồm các quy trình sau: Trong giai đoạn đầu, chủ sở hữu đập là các hồ lớn trên sông Đà, Tuyên Quang thuộc EVN chịu trách nhiệm điều hành. Theo quy định, báo động 2 của hồ chứa, cơ quan phòng, chống thiên tai sẽ điều hành việc vận hành hồ chứa. Bên cạnh cơ quan phòng, chống thiên tai có các nhà tư vấn, các nhà khoa học hỗ trợ tính toán các kịch bản vận hành cho một hệ thống liên hồ chứa theo quy trình đã được phê duyệt. Chính quyền và nhân dân vùng, địa phương phải phải thực hiện phương án phòng, chống thiên tai", G.S Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa đáng chú ý là mưa trên diện rộng bao phủ toàn miền Bắc, lượng mưa lớn có lúc trên 500mm. Đó là điều bất thường.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới, khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa từ 100-200 mm, có nơi trên 350 mm. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống và lũ quét, ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng thấp. Lũ trên thượng nguồn sông Hồng như là Lào Cai, Yên Bái đã xuống dần nhưng vẫn dồn về phía hạ du. Cùng với mưa lớn, khả năng ngập lụt sẽ gia tăng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Sau khi các hệ thống thủy điện đang tăng cường xả lũ, nguồn nước về hạ lưu lớn, diễn biến lũ trên sông Hồng và các sông khác rất phức tạp. Như tại Hà Nội, theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, một số địa phương đã có thông tin về hiện tượng tràn hệ thống đê bao ở cấp 2, nguy cơ ngập. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, khó lường, gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ vào sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tình hình nước lũ tại thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh. Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương, các cấp, các ngành nắm chắc diễn biến tình hình để xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh linh hoạt, xả lũ xả tràn theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo an toàn cho người dân. Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái tìm mọi biện pháp có thể để kiểm soát được nước lũ từ thượng lưu chảy về hồ Thác Bà, thành phố Hà Nội. Các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái chuẩn bị phương án tốt nhất, sớm nhất có thể xảy ra với Thác Bà.

Giải pháp nào để đảm bảo an toàn hồ thủy điện, giảm thiểu rủi ro lũ lụt? - Ảnh 3.

Cảnh báo ngập lụt diện rộng

Riêng tại thủ đô Hà Nội, ngày 11/9, lũ trên sông Tích và sông Bùi sẽ lên trên mức báo động 3 và gây ngập úng ở ven sông thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ. Với sông Hồng, dự báo lũ cũng đang lên nhanh và sẽ lên mức báo động 2. Với mức báo động này, lũ sẽ gây ngập một số nơi ở vùng bãi giữa và ven sông thuộc các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Gia Lâm và Phúc Thọ. Tại sông Đáy, dự báo mực nước cũng đang lên mức báo động 2, có thể gây ngập vùng ven sông thuộc các huyện Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng, Chương Mỹ và Ứng Hòa. Ngoài lũ lụt, người dân cần hết sức cảnh giác với sạt lở đất, vùng có nguy cơ sạt lở rất cao tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, tại Thái Nguyên và Hòa Bình. Người dân cần hết sức cảnh giác với các dấu hiệu sạt lở và di dời đến nơi an toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước