Mưa to liên tục do hoàn lưu bão số 3 đã gây ra các trận lũ lớn và sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trong những ngày qua tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang. Nguy cơ sạt lở vẫn tiếp tục khi có hàng chục huyện ở 10 tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Tại Việt Nam, tình trạng sạt lở đất năm nào cũng diễn ra, thiệt hại lớn về người và tài sản.
Sạt lở đất là một trong những loại hình thiên tai rất nguy hiểm, có thể xảy ra ở những nơi mà người dân không ngờ tới. Sạt lở đất cũng là một trong những vấn đề rất lớn mà bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra. Con số thương vong, mất tích về sạt lở đất vẫn đang tăng lên từng ngày tại nhiều địa phương. Theo số liệu thống kê ghi nhận có hơn 300 người thiệt mạng và mất tích, chủ yếu do sạt lở đất. Đáng nói, có những địa phương chịu đến vài vụ sạt lở đất thương tâm chỉ trong 1 ngày và có những nơi chưa từng chịu thiên tai suốt hàng chục năm trời, nay hoàn toàn bất ngờ với những trận sạt lở đất chỉ trong tích tắc.
"Sạt lở đất là hiện tượng đất quá bão hòa và sạt lở xuống theo sườn dốc do mất trọng lực. Nguyên nhân xảy ra sạt lở đất, gần đây nhất ở các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng và Hà Giang do rất nhiều yếu tố như: vỏ phong hóa dày, địa hình dốc, thảm thực vật bao phủ bị mất đẫn đến dọc các tuyến đường bị sạt lở,… Đặc biệt nguyên nhân, yếu tố kích hoạt tự nhiên là do lượng mưa lớn và dài ngày, nhất là ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi", Tiến sĩ Nguyễn Đại Trung, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Đại Trung cho biết về nguyên nhân và các giải pháp để phòng, tránh sạt lở đất
Theo T.S Nguyễn Đại Trung, các đánh giá, điều tra của Đề án điều tra, đánh giá sạt lở đất ở miền Bắc Việt Nam phát hiện sạt lở đất ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) xảy ra bởi đây là khu vực sườn dốc và dọc theo đứt gãy lớn, vỏ phóng hóa dày. Nguyên nhân sạt lở do lượng mưa dài của cơn bão Yagi, các sườn dốc sạt lở đất từ sườn dốc làm chặn dòng suối chảy vào khu vực này, dẫn đến hiện tượng lũ bùn đá. Lũ bùn đá tích đọng một khối lượng rất lớn nên chỉ trong một thời gian rất ngắn, sạt lở đất bị tích nghẹn bởi các dòng suối tràn xuống khiến cả thôn Làng Nủ bị dòng lũ bùn đá cuốn trôi. Thiệt hại về người rất lớn.
Sạt lở đất ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai)
Theo T.S Nguyễn Đại Trung đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có khả năng dự báo được hiện trạng sạt lở đất. Hiện đã có rất nhiều đề án, dự án nghiên cứu điều tra về hiện trạng sạt lở đất, hiện trạng điều tra dự thảo qua đất đã đưa ra các điểm sạt lở với quy mô rất lớn, trung bình, vừa và nhỏ. Các dự án, đề án này đã chuyển giao cho 25 tỉnh thành trên cả nước.
Trong nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm sạt lở đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Đề án cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi và trung du. Theo đó, sẽ thiết lập hệ thống thông tin cảnh báo sớm, nâng cao, phát triển các mô hình cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh trung du và miền núi. Điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỉ lệ 1/10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao. Bộ bản đồ ở giai đoạn đầu đã chỉ ra 220 xã ở mức sạt lở cao nhất, trùng khớp với hiện tượng sạt lở đất và các khu vực thực tế hay bị sạt lở. Kế hoạch cũng tập trung xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro tỉ lệ trung bình, tỉ lệ lớn, đồng bộ, tổng thể. Đồng thời, cung cấp, trao đổi thông tin cảnh báo với cộng đồng dân cư, tăng cường năng lực ứng phó thiên tai của các cán bộ và người dân địa phương nhằm giảm nhẹ thiên tai do sạt lở đất và lũ quét gây ra.
Bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét
"Cơ sở tài liệu của hiện trạng và bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét được xây dựng trong phần mềm ARC-GIS và gồm rất nhiều lớp thông tin như: các lớp thông tin về phóng hóa, về đới, gặp gỡ kiến tạo, địa chất thủy văn, địa chất công trình, thảm thực vật với các điều kiện kinh tế, xã hội. Bản đồ được xây dựng theo phương pháp dùng trí tuệ nhân tạo, mạng lưới Neural Network để xử lý và đưa ra cảnh báo ở các mức độ khác nhau. Hiện tại, các cảnh báo này đã được Tổng cục Khí tượng thủy văn lồng ghép vào các trang thông tin cảnh báo cập nhật hàng ngày, hàng tháng cho các tỉnh", T.S Nguyễn Đại Trung cho biết thêm.
Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản là đơn vị được Bộ Tài nguyên Môi trường giao chủ trì thực hiện Đề án điều tra, đánh giá hiện trạng sạt lở đất các tỉnh miền núi, trung du miền Bắc, miền Bắc Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2021. Tất cả kết quả của đề án ở dạng số như: các bản đồ hiện trạng sạt lở đất ở tỷ lệ 1/50.000, bản đồ phân vùng dự báo sạt lở đất ở tỉ lệ 1/10.000 đã được chuyển giao các tỉnh.
"Các tỉnh cần phải nhanh chóng, khẩn trương cập nhật Đề án điều tra đánh giá hiện trạng sạt lở đất tại các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc Việt Nam cho cấp huyện, cấp xã và đặc biệt là ở cấp xã. Chuyên gia phụ trách vấn đề phòng, chống thiên tai phải hiểu cách xử lý, cách sử dụng tài liệu, bản đồ, bản vẽ, phần mềm và chủ động vạch ra phương án di dời dân, ứng cứu bằng các bản vẽ. Đồng thời, truyền tải thông tin của đề án tới người dân địa phương, đặc biệt là 220 xã có nguy cơ sạt lở cao", T.S Nguyễn Đại Trung đề xuất.
T.S Nguyễn Đại Trung cũng khuyến nghị, chính quyền địa phương cần hướng dẫn cho đơn vị cấp xã sử dụng được tài liệu của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã chuyển giao cho địa phương xây dựng. Thứ hai, phải chuẩn bị phương án, tìm ra các địa điểm di dời dân khẩn cấp đến nơi an toàn. Thứ ba, tuyên truyền thông tin, chuẩn bị cho người dân các kỹ năng tối thiểu, tổ chức tập huấn, cảnh báo sớm sạt lở đất xảy ra trong điều kiện bình thường. Khi lượng mưa quá lớn, trưởng thôn, trưởng bản kéo còi báo động, tuýt còi hụ thông báo cho người dân và lập tức người dân sẽ di chuyển đến nơi được quy định là an toàn. Chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, cấp thôn phải có phương án phân luồng giao thông, cảnh báo sớm và luôn ở trong tình trạng chuẩn bị "4 tại chỗ" để khi có mưa, bão lớn kéo dài, phải thông báo, thông tin kịp thời đến nhân dân địa phương bằng mọi phương tiện. Trong điều kiện bị mất mạng lưới thông tin, cần phải có bộ đàm điều khiển và giao cho các thôn trực tiếp làm nhiệm vụ.
Sạt lở đất được coi là lời cảnh báo từ biến đổi khí hậu. Thế nhưng, chính con người với những hoạt động của mình cũng cần có trách nhiệm phần nào đối với những loại hình thiên tai này. Mỗi năm, sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người trên thế giới và gây thiệt hại hàng tỷ đô la. Hiểu biết về thời gian, địa điểm và nguyên nhân xảy ra sạt lở đất có thể giúp cảnh báo sớm để giảm nhẹ thiệt hại và giảm được nguy cơ và sống chung với những hiểm họa tự nhiên.
Hiện tại, lũ trên sông Hồng qua trạm chính Hà Nội vẫn đang tiếp tục xuống. Cập nhật lúc 21h ngày 12/9, mực nước là 10,6m. Lúc 19h ngày 13/9, mực nước giảm 1m xuống còn 9,6m, xấp xỉ mức báo động 1. Với diễn biến của lũ, nước ngập ở vùng ngoài đê, khu vực bãi giữa và ven sông thuộc một số phường, quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên và huyện Gia Lâm sẽ rút dần.
Ngoài ra, nước trên dòng chính sông Hồng đang dồn về sông Hoàng Long của Ninh Bình. Dự báo 12/9, sáng sớm 13/9 lũ có khả năng đạt đỉnh ở mức 5m và vượt báo động 3 là 1m, gây ngập sâu ở những vùng trũng thấp, ven sông và ngoài đê các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh và thành phố Ninh Bình. Không chỉ Ninh Bình mà tại Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Bắc Giang vẫn còn ngập ở những vùng trũng thấp, ven sông và ngoài đê do lũ cao.
Cảnh báo lũ trên nhiều sông ở mức cao
Dự báo đêm 12/9, sáng 13/9, lũ trên sông Đáy qua Hà Nam, sông Thái Bình qua Hải Dương sẽ đều vượt mức báo động 3. Sông Cầu qua Bắc Ninh, sông Thương, sông Lục Nam qua Bắc Giang đều từ mức báo động 3 trở lên. Dự báo tình trạng lũ cao sẽ còn kéo dài 1-2 ngày nữa.
Trên vùng núi Bắc Bộ, lũ đang xuống nhanh. Dự báo, sông Thao qua Yên Bái và sông Lô tại Thái Nguyên đến chiều và đêm 13/9 đều xuống dưới mức báo động 1, nước rút. Người dân nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh môi trường, đề phòng dịch bệnh sau lũ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!