Nói đến Đà Lạt là chúng ta thường nghĩ ngay tới một nơi nghỉ mát nổi tiếng - một xứ sở của các loài hoa quanh năm thi nhau đua sắc. Nhưng những ai đã từng đến Đà Lạt thì đều có thể nhận thấy, những năm gần đây, thành phố này đang được hàng ngàn công trình màu trắng phủ kín. Đó là những dãy nhà kính trải dài, bao vây Đà Lạt tứ phía.
Có một thực tế là trồng rau, hoa trong nhà kính là phương pháp có rất nhiều ưu điểm để hạn chế những yếu tố bất lợi về ngoại cảnh như mưa, xói mòn, sương muối... tác động đến cây trồng. Tuy nhiên, dưới tác dụng nhiệt của nhà kính và lối sản xuất chuyên canh, không cho đất nghỉ, phân bón tồn dư mỗi lúc mỗi cao khiến cho đất đai khô đi, hệ vi sinh vật trong đất bị tổn thương, côn trùng đất và động vật không xương sống trong đất biến mất dần. Những mắt xích đầu tiên trong hệ sinh thái bị đứt gãy.
Nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái, nông nghiệp cho rằng nỗi lo ngại của họ về tốc độ phát triển nhà kính hiện nay ở Đà Lạt và vùng lân cận, điều mà họ cho rằng đang mở đường cho những vùng đất chết bởi những tác động khôn lường của nhà kính đến hệ sinh thái, đất đai, khí hậu.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có tới hơn 5000 héc ta nhà kính, trong đó riêng thành phố Đà Lạt đã có gần 3000 ha diện tích nhà kính.
Những con số này nghe có vẻ khô khan nhưng đó là một thực trạng đáng báo động về sự thay đổi môi trường và cảnh quan của thành phố ngàn hoa.
Việc ồ ạt phát triển nhà kính để canh tác nông nghiệp tiếp tục là câu chuyện nóng trên miền đất Đà Lạt hiện nay khi gần đây, cuộc sống người dân và du khách đã bị đảo lộn bởi những đợt ngập lụt trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân khiến Đà Lạt bị ngập, nhưng một trong những tác nhân được nhắc đến nhiều nhất chính là do sự tăng nóng nhà kính.
Nghịch lý phố Núi bị ngập
Nuối tiếc, xót xa, lo lắng - đó là tâm trạng của nhiều người khi chứng kiến Đà Lạt không còn là Đà Lạt nữa mà thay vào đó là sự biến dạng. Đà Lạt phủ trắng bởi nhà kính đã kéo theo hàng loạt hệ lụy. Và hệ lụy dễ thấy nhất, ập đến nhanh nhất chính là bây giờ cứ hễ mưa to là nhiều tuyến phố rơi vào cảnh ngập lụt.
Theo các chuyên gia, khi mưa hệ số thấm nước gần như là con số 0 đối với vùng canh tác nhà kính. Vậy là những khu đất nông nghiệp - không gian rộng lớn để tiếp nhận nước mưa tại Đà Lạt đã không còn. Và đây chính là ngọn nguồn làm gia tăng áp lực ngập lụt cục bộ ở Đà Lạt. Một lần nữa, mặt trái của phát triển nhà kính thiếu quy hoạch đã lộ rõ.
Sau nhiều tháng, người dân Đà Lạt vẫn nhắc lại đợt ngập như một nỗi ám ảnh. Và một nỗi bất an định hình trong người Đà Lạt mỗi khi mưa lớn - điều mà trước đây không hề có. Vẫn biết, ngập lụt trên phố núi Đà Lạt do nhiều nguyên nhân và tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn vào nhà kính, nhưng rõ ràng, tăng nóng nhà kính chính là tác nhân gây gia tăng ngập lụt.
Việc tăng nóng nhà kính ở Đà Lạt là chuyện đã rồi. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là làm như thế nào để những nông dân lâu nay canh tác trong nhà kính sẽ chuyển sang canh tác ở nhà trời. Điều này là khá nan giải nhưng không thể không phá bỏ nhà kính ở nội ô Đà Lạt. Và tỉnh Lâm Đồng đã có một đề án quy hoạch lại nhà kính. Trong đó, có một chủ trương quan trọng là giảm dần nhà kính ở Đà Lạt. Đến năm 2030, sẽ không còn nhà kính ở khu vực nội ô thành phố.
Giải pháp giảm dần nhà kính tại Đà Lạt
Tăng nóng nhà kính cũng đồng nghĩa gia tăng phá vỡ cảnh quan và ảnh hưởng đến môi trường sống. Riêng tại những làng hoa có tiếng ở Đà Lạt như Thái Phiên, Vạn Thành, mật độ nhà kính không dưới 70%. Rõ ràng giảm mật độ nhà kính, đặc biệt ở khu vực nội ô thành phố Đà Lạt đang là nhiệm vụ bức thiết lúc này.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng đề án theo hướng giảm dần theo lộ trình, tập trung phát triển ở các xã và vùng lân cận Đà Lạt, còn các phường nội ô thì đến năm 2030 sẽ không còn nhà kính ngay trong các phường, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang sản xuất giống, sản xuất dược liệu không cần nhà kính, để dung hòa thu nhập của người dân với bảo vệ môi trường".
Cùng với quy hoạch hợp lý về canh tác nhà kính, nhiều chuyên gia cho rằng: để nông dân chuyển từ canh tác nhà kính sang ngoài trời, điều mấu chốt là phải có những cây trồng có giá trị kinh tế, thích ứng với điều kiện canh tác tự nhiên. Phục hồi những giống cây trồng bản địa cũng như bổ sung những giống cây mới không cần canh tác trong nhà kính. Và đó là hướng mở đối với vùng nông nghiệp Đà Lạt trước yêu cầu phải giảm dần nhà kính.
Lộ trình giảm dần nhà kính trong thành phố, thay vào đó là những vườn canh tác ngoài trời chính là hành trình trả lại Đà Lạt xanh. Đây là hành trình không dễ dàng nhưng không thể không làm. Từ năm ngoái, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố kiểm tra xử lý tình trạng công trình, nhà kính, nhà lưới trên đất quy hoạch lâm nghiệp.
Một lộ trình giảm nhà kính ngay tại nội ô Đà Lạt đã bắt đầu, dù biết đây là việc không dễ tuy nhiên không thể không làm bởi đó cũng chính là một trong những cách để cứu lấy những giá trị vốn có của Đà Lạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!