Giảm gánh nặng bệnh tật kép cho người cao tuổi

Phương Linh-Thứ tư, ngày 11/10/2023 19:21 GMT+7

Livestream với sự tham gia của các bác sĩ của BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Ảnh BVCC

VTV.vn - Người cao tuổi tại Việt Nam đang phải đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, gồm cả bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm.

Thông tin trên được các chuyên gia, bác sĩ chia sẻ tại chương trình tư vấn trực tuyến "Chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống người cao tuổi" ngày 10/10/2023, do Bệnh viện đa khoa Tâm Anh phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Chương trình có sự tham gia của: TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; TS.BS Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu, Nam học và Thận học, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh, Phó khoa Cơ xương khớp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; BS.CKI Dương Minh Hiếu, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.

TS.BS Lê Bá Ngọc (Trưởng khoa Nội Tổng hợp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội) cho biết đái tháo đường là bệnh lý không lây nhiễm có tỷ lệ mắc rất cao ở người cao tuổi. Theo thống kê tại Việt Nam, khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường; hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, 22-33% người bệnh ở độ tuổi trên 60. Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia.

Việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý đái tháo đường ở người cao tuổi giai đoạn sớm là tương đối khó khăn do các triệu chứng của bệnh thường không có hoặc không điển hình. Giảm sút trí nhớ, bệnh Alzheimer và một số bệnh lý thần kinh khác thường gặp ở người cao tuổi cũng làm cản trở quá trình điều trị bệnh đái tháo đường. Nhiều trường hợp người bệnh cao tuổi mắc tiểu đường phải nhập viện vì tiêm quá liều insulin, tiêm sai kỹ thuật, quên liều, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng. "Do vậy, sự đồng hành của gia đình và người thân trong quá trình điều trị bệnh ở người cao tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng" - TS.BS Lê Bá Ngọc nhấn mạnh.

Giảm gánh nặng bệnh tật kép cho người cao tuổi - Ảnh 1.

TS Lê Bá Ngọc trả lời tư vấn trong buổi livestream. Ảnh BVCC

Người cao tuổi tại Việt Nam phải sống chung với thuốc vì các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch... Hậu quả là những năm tháng đáng lý được nghỉ ngơi, người cao tuổi lại dành phần lớn thời gian đến bệnh viện mỗi tháng, thậm chí là mỗi tuần. Việc sử dụng số lượng lớn thuốc trong thời gian sẽ tạo nên "gánh nặng" cho thận.

TS.BS Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu, Nam học và Thận học, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, nguy cơ mắc bệnh suy thận ở người già lớn hơn so với những độ tuổi khác do quá trình lão hóa thận tự nhiên, người cao tuổi cũng thường mắc các bệnh mạn tính có biến chứng lên thận. Tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, tự ý bổ sung những loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ có nhiều cơ chế khác nhau tác động đến thận là nguyên nhân phổ biến khiến suy thận mạn tính.

Giảm gánh nặng bệnh tật kép cho người cao tuổi - Ảnh 2.

TS Mai Thị Hiền giải đáp nhiều vấn đề về bệnh tiết niệu ở người cao tuổi. Ảnh BVCC

Nhiều khán giả gửi câu hỏi bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ suy gan, suy thận khi sử dụng thuốc điều trị bệnh lý cơ xương khớp trong thời gian dài, ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh (Phó khoa Cơ xương khớp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội) chia sẻ, các bác sĩ tại đây luôn tính toán phác đồ điều trị hiệu quả để kiểm soát tình trạng bệnh, hạn chế tối đa tác dụng phụ. Bên cạnh đó, việc phối hợp hội chẩn đa chuyên khoa cũng được thực hiện thường xuyên tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh.

Do đó, trường hợp người bệnh mắc các bệnh lý cơ xương khớp mà trước đó đã có tiền sử mắc các bệnh nền mạn tính khác về tim mạch, thận, gan, nội tiết… có thể hoàn toàn yên tâm khi điều trị. "Việc tuân thủ đơn thuốc theo chỉ định, thăm khám định kỳ là rất quan trọng khi điều trị các bệnh lý nền mạn tính ở người cao tuổi để tránh các nguy cơ biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Hoài Thanh nói.

Giảm gánh nặng bệnh tật kép cho người cao tuổi - Ảnh 3.

ThS Trần Thị Hoài Thanh chia sẻ cách chăm sóc cơ xương khớp cho người cao tuổi. Ảnh BVCC

Trong chương trình, nhiều câu hỏi từ khán giả gửi tới xoay quanh chủ đề đau cơ xương khớp ở người cao tuổi. ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh chia sẻ, các bệnh lý cơ xương khớp thường khởi phát và có biểu hiện rất sớm, nhưng người bệnh thường chủ quan hoặc âm thầm chịu đựng vì nghĩ rằng bệnh do lão hóa không thể điều trị. Bệnh xương khớp âm thầm lấy đi khả năng vận động và giảm chất lượng sống người cao tuổi, là gánh nặng an sinh lẫn kinh tế cho toàn xã hội.

Để không phải đối mặt với nguy cơ tàn phế, ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên, người dân cần chú ý chăm sóc xương khớp bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, vận động hợp lý, đi khám xương khớp định kỳ và bổ sung thuốc, thực phẩm chức năng theo chỉ định từ bác sĩ. Đối với phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh nên thực hiện đo mật độ xương để đánh giá nguy cơ loãng xương để có các phương án điều trị dự phòng.

Té ngã ở người cao tuổi là vấn đề được nhiều người quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi về cách phòng tránh và điều trị. Thông qua chương trình tư vấn, BS.CKI Dương Minh Hiếu (Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh Hà Nội) chia sẻ, té ngã là một trong những tình trạng thường gặp ở người cao tuổi, ảnh hưởng tới khả năng vận động, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Hệ cơ xương khớp ngày càng lão hóa theo thời gian, người lớn tuổi sau chấn thương té ngã sẽ mất nhiều thời gian phục hồi hơn, nguy cơ để lại biến chứng sau chấn thương cao hơn. Nằm cố định một chỗ trong tình trạng chấn thương xương khớp sẽ bị giới hạn vận động, bất tiện trong sinh hoạt cá nhân. Đặc biệt với người cao tuổi, té ngã gây gãy xương thường nằm bất động thời gian dài. Hệ lụy thường gặp nhất là huyết khối tĩnh mạch, nhiễm trùng tiểu có thể tiến triển suy thận, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, loét tì đè…

Giảm gánh nặng bệnh tật kép cho người cao tuổi - Ảnh 4.

BS Minh Hiếu chia sẻ các phương pháp thay khớp tiên tiến tại BVĐK Tâm Anh. Ảnh BVCC

BS.CKI Dương Minh Hiếu cho biết thêm, với nhiều kỹ thuật mới và công nghệ hiện đại, nhiều trường hợp người cao tuổi bị chấn thương xương khớp nghiêm trọng như gãy cổ xương đùi, xẹp đốt sống, gãy đốt sống do té ngã có thể được điều trị hoàn toàn và gần như không có biến chứng. Trong đó, có thể kể đến kỹ thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần với đường mổ xâm lấn tối thiểu SuperPath. Ưu điểm là đường mổ nhỏ và lách qua bao khớp phía trên, không cắt cơ và bao khớp, đồng thời bảo tồn hoàn toàn hệ thống gân sau khớp háng. SuperPath được thiết kế nhằm tái tạo chính xác mà không cần cắt những gân quan trọng, từ đó giảm đau đớn, rút ngắn thời gian phục hồi cho người bệnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, sai lầm thường gặp trong điều trị bệnh của người cao tuổi là không dùng thuốc thường xuyên theo đúng chỉ định, dùng đơn thuốc cũ mà không đi khám lại hoặc tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Sử dụng thuốc tùy tiện không theo hướng dẫn và kiểm soát của bác sĩ dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, người nên khám bệnh ở các cơ sở y tế có uy tín và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Nếu muốn điều trị theo phương pháp y học cổ truyền, nên đến địa chỉ uy tín được cấp phép của Bộ y tế.

Phòng bệnh là yếu tố quan trọng được các chuyên gia đặt lên hàng đầu trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Người dân nên dự phòng bệnh tật ngay từ khi còn trẻ, thăm khám định kỳ để phát hiện bệnh lý từ giai đoạn sớm để có hướng điều trị hiệu quả. Khi mắc các bệnh lý mạn tính người bệnh tuân thủ điều trị. Người cao tuổi nên thực hiện tiêm phòng đầy đủ nhằm tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể trước các bệnh truyền nhiễm, từ đó tránh được nguy cơ phải chịu "gánh nặng" bệnh tật kép.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước