Giảm khí nhà kính & cơ chế carbon: Thách thức và giải pháp ban đầu cho doanh nghiệp

PV-Thứ tư, ngày 29/06/2022 09:34 GMT+7

VTV.vn - Giảm phát thải khí nhà kính là xu thế tất yếu của thế giới, không thể đảo ngược. Các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc… cũng đã và đang xây dựng cơ chế để thực hiện.

Ngày 28/6/2022, hội thảo "Tổng quan về yêu cầu giảm khí nhà kính & cơ chế carbon – Thách thức và giải pháp ban đầu cho doanh nghiệp" đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một phần của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp) là chủ dự án.

Giảm khí nhà kính & cơ chế carbon: Thách thức và giải pháp ban đầu cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Hội thảo "Tổng quan về yêu cầu giảm khí nhà kính & cơ chế carbon – Thách thức và giải pháp ban đầu cho doanh nghiệp"

Tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Hiền Trang - chuyên gia về giảm phát thải của tổ chức Act Renewable có trụ sở tại CHLB Đức cho biết: "Việc giảm phát thải chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, Việt Nam đang đi theo xu thế của thế giới, với mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính ngày càng tham vọng. Luật Môi trường sửa đổi năm 2020 đã có điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, điều 139 quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon".

Một số chuyên gia khác, tại hội thảo, đã thông tin thêm về các chính sách của Liên minh Châu Âu (EU). Theo đó, trong xu thế ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí hậu vào năm 2050 (zero carbon), EU đã đưa ra nhiều cơ chế, trong đó phải kể đến "Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon" (CBAM) nhằm giảm tình trạng rò rỉ carbon (là tình trạng doanh nghiệp trong EU tìm cách chuyển hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo ở những nơi đó).

Giảm khí nhà kính & cơ chế carbon: Thách thức và giải pháp ban đầu cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ông Mark Birnbaum - Giám đốc dự án USAID IPSC phát biểu tại hội thảo

CBAM sẽ áp một loại thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu vào EU. Mức thuế phụ thuộc vào hàm lượng phát thải trong sản xuất cũng như chênh lệch giữa giá carbon theo ETS của EU và giá tại nước sản xuất. Hàng hóa sau CBAM khi vào thị trường EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn, trừ khi doanh nghiệp thực hiện cắt giảm phát thải. Hiện tại CBAM đang áp dụng đối với các sản phẩm nhập khẩu thuộc các ngành: điện, sắt thép, phân bón, nhôm và xi măng.

Các doanh nghiệp có thời gian quá độ là 2 năm (từ 1/1/2023 đến 31/12/2024) để kiểm kê khí nhà kính của các doanh nghiệp cũng như việc phát thải của các đơn vị thuộc chuỗi cung ứng. Phạm vi các ngành sản xuất bị điều chỉnh bởi cơ chế CBAM sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai, bao gồm nhiều sản phẩm hơn. Vì thế, CBAM sẽ tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang EU thời gian tới. Cơ chế này có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thị trường EU. Các doanh nghiệp của Việt Nam cần biết và thích ứng với các cơ chế này. 

Việt Nam hiện là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, chiếm tỉ trọng 1,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của EU. Ba quốc gia EU nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam là Hà Lan (7, 849 tỉ euro), Đức (7,68 tỉ euro) và Italy (3,519 tỉ euro).

Là chuyên gia đến từ tổ chức RCEE-NIRAS, Bà Nguyễn Thanh Mai cho biết, mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Chính phủ đã có lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo đó, đã có danh sách gần 2000 doanh nghiệp phải thực hiện thí điểm việc báo cáo phát thải khí nhà kính vào năm 2025. Những năm tiếp theo, thị trường carbon được hình thành, phát triển sẽ tác động sâu rộng đến nhiều mặt đời sống kinh tế của đất nước. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất có cường độ phát thải lớn phải chuyển mình

Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp) là chủ dự án. có tổng ngân sách 36 triệu đô la Mỹ được thực hiện trong 5 năm (2021-2025), bao gồm 04 hợp phần: (1) Tăng cường năng lực quản trị, quản lý và chiến lược của các doanh nghiệp đang tăng trưởng; (2) Nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh thông qua việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ; (3) Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển mang tính bao trùm, và (4) Thúc đẩy các liên kết doanh nghiệp - doanh nghiệp và liên kết ngành.

Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng nhằm giúp họ nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt; 60 doanh nghiệp tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm "Made by Viet Nam".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước